Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay ngăn lệch chuẩn văn hóa

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/8, nhiều đại biểu đề nghị đưa ra giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Cho dù vị tư lệnh ngành văn hóa đã chỉ ra những việc đã và sẽ làm, sẽ phối hợp nhưng nghe chừng vẫn loay hoay về tính hiệu quả.

Múa rồng truyền thống trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Múa rồng truyền thống trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau Đại hội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ yêu cầu toàn ngành VHTT&DL phải quyết liệt hành động, có khát vọng cống hiến, đưa ngành VHTT&DL từng bước phát triển, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Trước những quyết sách lớn của ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự ủng hộ và tham gia nhiều ý kiến nhằm “hiến kế” cho ngành VHTT& DL phát triển.

Từ khi Nghị quyết XIII được ban hành đã là một chặng đường triển khai không ngắn để biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cũng giống như bao kỳ chất vấn khác, các đại biểu vẫn băn khoăn về những điều chưa được giải quyết.

Đó là sự lo lắng đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình đang xuống cấp, mạng xã hội bên cạnh tạo ra những lợi ích cũng đã tạo nên lệch chuẩn trong ứng xử thiếu văn hóa, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Nhiều vụ việc xảy ra khi được hỏi thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình, nhưng chính vì đúng quy trình lại thể hiện sự vô cảm giữa người với người.

Vẫn biết vấn đề về văn hóa là rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ VHTT&DL cũng đã đưa ra các giải pháp từ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật. Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ VHTT&DL đã ký kết với Bộ GTVT về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ GD&ĐT về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng LĐLĐ Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, cùng với những việc làm trên cũng cần thêm những giải pháp quyết liệt hơn nhằm tạo hiệu quả tích cực trong việc ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức. Trong đó, giải pháp chính là ở việc đầu tư đúng mức cho văn hóa. Ngành văn hóa cũng cần chủ động nhận diện, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về văn hóa để góp phần phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa.

Nếu không có những giải pháp căn cơ, cụ thể thì không chỉ tại kỳ chất vấn ngày 10/8 vừa qua mà cả các kỳ sau này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL lại gặp các điệp khúc câu hỏi về đạo đức xã hội xuống cấp.