Loay hoay xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, mở cửa thị trường chất lượng cao cho nông sản Việt Nam, nhiều địa phương đang ráo riết triển khai xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thu mua nông sản xuất khẩu, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam Ngô Thu Hồng cho biết, hiện công ty đang thu mua trên 30 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuản xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa
Vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuản xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Trong quá trình thu mua, bên cạnh sự thuận lợi, đồng hành của chính quyền địa phương, hợp tác xã, bà con nông dân thì công ty cũng gặp một số khó khăn do vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, công tác thu hoạch nguyên liệu còn hạn chế do nông dân tự đứng ra thu hoạch, chưa có tổ đội chuyên nghiệp. Trong khi đó, tính tuân thủ quy trình sản xuất của bà con còn chưa đồng đều.

“DN luôn mong muốn mua được nông sản với giá cố định và cam kết bảo đảm tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, đa phần nông dân muốn mua theo giá biến động thị trường, do đó DN rất khó ký hợp đồng dài hạn thu mua nông sản” – bà Ngô Thu Hồng cho hay.

Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt (tỉnh Đồng Nai) Trần Quang Tính, công ty đã có những đối tác xuất khẩu dưa lưới tới nhiều thị trường trên thế giới nhưng không tìm được quỹ đất lớn cho sản xuất ở tỉnh Đồng Nai mà phải đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận với quy mô 500ha.

Việc thiếu quỹ đất lớn cho sản xuất nông nghiệp cũng là rào cản đối với DN trong việc lựa chọn xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến nông sản.

Khảo sát của Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho thấy, hiện tại, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nguyên liệu nông sản vẫn chưa được đầu tư bài bản, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để các ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng…

Mặt khác, nhiều vùng nguyên liệu chưa gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ với DN dẫn tới đầu ra không thuận lợi, thu nhập của người dân còn thấp.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.

Đề án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn 46 huyện, TP của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

Chờ đợi những đột phá 

Thời điểm này, các  tỉnh, TP đang bắt tay vào phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến và mở rộng thị trường sản phẩm nông nghiệp. Cùng với công tác quy hoạch, lập bản đồ, thu thập thông tin, xác thực đánh giá, việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đã mang lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận.

Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam
Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề; việc tổ chức quản trị điều hành, đặc biệt là điều tiết nhu cầu cấp vùng và quản lý nhà nước về phát triển vùng còn nhiều hạn chế;

Đáng nói, việc tích tụ ruộng đất, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn của một nền nông nghiệp hiện đại còn nhiều bất cập; khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị nông sản vẫn lỏng lẻo.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành nông nghiệp và các địa phương cần xác định vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến.

Cùng với đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các hợp tác xã, DN tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng.

Mặt khác, cần thực hiện đồng bộ các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp; tập trung quản lý chất lượng vùng trồng gắn với chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi liên kết DN, hợp tác xã, hộ nông dân với vùng nguyên liệu tập trung và tạo cơ chế đột phá thu hút DN có tiềm lực đầu tư vào sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường.

 

Giai đoạn 2022 - 2023, cả nước sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800ha. Cụ thể: 14.000ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững ở vùng Duyên hải miền Trung; 19.700ha cà phê Tây Nguyên; 50.000ha lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; 60.200ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.