Lời giải cho tiến độ siêu dự án 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân bắt đầu triển khai kéo dây từ ngày 18/6, nhưng khối lượng công việc còn rất lớn. Dự án trọng điểm “siêu cấp bách” có thể hoàn thành trước ngày 26/12/2022 đang là bài toán cần lời giải.

Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) Nguyễn Đức Tuyển thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có những chia sẻ về ý nghĩa, mục tiêu tiến độ việc kéo dây dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân vào thời điểm này.

Kéo dây khoảng néo 160 - 168 ĐZ 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.  
Kéo dây khoảng néo 160 - 168 ĐZ 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.  

Tính cấp bách của dự án

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, tính đến thời điểm này, dự án đã bàn giao 304/304 vị trí móng (đạt 100%), phần hành lang tuyến bàn giao 256/304 khoảng cột (đạt 84,2%) và đã dựng cột được trên 176 vị trí. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai kéo dây thi công dự án. Công tác kéo dây là cung đoạn cuối cùng của dự án đường dây truyền tải.

Để triển khai được đến hạng mục công việc là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là công tác điều hành dự án của EVNNPT/CPMB, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) Nguyễn Đức Tuyển bên công trường thi công dự án.
Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) Nguyễn Đức Tuyển bên công trường thi công dự án.

Hiện thời tiết khu vực đang trong mùa khô nên bắt đầu triển khai công tác kéo dây là phù hợp và thuận lợi nhất. Tiến độ kéo dây đang phù hợp với kế hoạch điều hành của EVNNPT, nhưng chưa đạt được kỳ vọng mục tiêu tiến độ do CPMB đề ra do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình chiến sự Nga - Ukraine và chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc.

“Việc bắt đầu kéo dây dự án đang phù hợp với kế hoạch, là động lực để các đơn vị thi công trên công trường tăng tốc về đích. Những đơn vị có tiến độ chậm hơn kế hoạch điều hành cần nỗ lực, cố gắng hơn để bám sát kế hoạch đề ra trong thời gian ngắn nhất” – vị này nhấn mạnh.

Đánh giá về sự vào cuộc của các bộ, ngành, UBND địa phương và các đơn vị thi công dự án, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, với tính chất cấp bách của dự án, các bộ, ngành, UBND các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các sở, ngành và chính quyền địa phương cấp xã đã quan tâm chỉ đạo giải quyết các thủ tục liên quan ngay từ giai đoạn triển khai dự án…

Nhiều chủ trương chính sách liên quan đến công tác bồi thường, GPMB được các tỉnh xem xét đưa ra thảo luận và tháo gỡ kịp thời như mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang, hỗ trợ các vị trí qua hồ nuôi trồng thủy sản, nhà nuôi yến, nhà máy gạch không nung… Chính vì vậy, UBND các huyện, thị xã có cơ sở để đẩy nhanh công tác phê duyệt chi trả tiền bàn giao mặt bằng theo đúng quy định.

Trong giai đoạn thi công nước rút hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ với CPMB và các nhà thầu giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác kéo, rải, căng dây.

Các đơn vị thi công đã nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án ngay từ giai đoạn tham dự thầu. Ngay sau khi được trao thầu (năm 2021), các đơn vị thi công đã huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện trong giai đoạn cả nước đang gồng mình chống chọi với làn sóng đại dịch Covid-19. Các đơn vị thi công cũng đã chủ động đặt mua nguyên vật liệu phục vụ thi công (đặc biệt là thép xây dựng) ngay cả khi chưa kịp nhận chi phí tạm ứng hợp đồng, vì vậy đã tránh được rủi ro biến động giá liên tục tăng từ cuối năm 2021 đến nay. 

“Tiến độ thi công dự án bám sát tiến độ đề ra và toàn công trường đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến thời điểm này, tiến độ của dự án rất khả quan. Chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng các dự án sẽ hoàn thành đóng điện trước ngày 26/12/2022” - ông Nguyễn Đức Tuyển nói.

Cùng vào cuộc để hoàn thành

Mặc dù đã đạt được khối lượng thi công rất lớn, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tiến độ của các dự án. CPMB luôn kiểm soát, đánh giá và quản trị các rủi ro trong quá trình thực hiện. Thời tiết dị thường của năm 2022 là điều đáng lo ngại nhất. Theo dự báo, từ tháng 10 - 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa.

Để khắc phục khó khăn này, theo ông Nguyễn Đức Tuyển, CPMB đã yêu cầu các đơn vị thi công tranh thủ vận chuyển, tập kết toàn bộ vật tư lên công trường ngay từ bây giờ, tăng cường nhân vật lực để triển khai đồng loạt các hạng mục công việc với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác kéo dây trong tháng 9/2022 đối với các khoảng néo trên địa hình đồi núi hiểm trở và khó đi lại trong điều kiện thời tiết mùa mưa, các khoảng néo còn lại hoàn thành cơ bản trong tháng 10/2022.

Về tình hình chiến sự Nga - Ukraina và chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp vật tư thiết bị, CPMB đã phối hợp chặc chẽ với các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị kiểm soát hàng ngày kế hoạch thực hiện của nhà sản xuất, cũng như kế hoạch vận chuyển quốc tế. Nếu có gói thầu bị chậm tiến độ sẽ kêu gọi, yêu cầu nhà thầu thực hiện phân kỳ giao hàng, tăng cường vận chuyển bằng đường hàng không để rút ngắn thời gian giao hàng với mục tiêu không để các đơn vị thi công chờ việc do chậm cung cấp vật tư thiết bị.

Dự án hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, đường dây có nhiều đoạn giao chéo với đường dây giải tỏa công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo; hiện nay, đang trong thời điểm nắng nóng kéo dài nên việc cắt điện phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn. CPMB đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng phương án thi công tối ưu nhất, với mục tiêu giảm thiểu thời gian cắt điện và hạn chế thấp nhất việc giảm sản lượng của các nhà máy năng lượng tái tạo.

Từ thực tế, ông Nguyễn Đức Tuyển kiến nghị UBND các huyện, thị xã sớm hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường còn lại để có cơ sở chi trả tiền cho các hộ dân tại các vị trí móng và hành lang tuyến để thi công kéo dây. Thành lập các tổ công tác tại từng địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công.

Trường hợp chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về công tác bồi thường, GPMB nhưng các tổ chức, hộ dân vẫn cố tình cản trở và không thực hiện việc bàn giao mặt bằng theo quy định, UBND huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp với CPMB lập phương án và tổ chức lực lượng bảo vệ, hỗ trợ an ninh trật tự để đơn vị thi công triển khai công việc, nhất là trong giai đoạn gấp rút hiện nay.

CPMB kiến nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương tham mưu các chính sách về GPMB phát sinh trong quá trình thực hiện, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc. Đồng thời mong muốn UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận tiếp tục quan tâm theo dõi đôn đốc, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung giải quyết các thủ tục còn lại, có biện pháp cương quyết đối với các hộ dân không chấp hành phương án bồi thường, cố tình chống đối, nhằm đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt.

 

Một số mục tiêu tiến độ cụm công trình giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1: TBA 500kV Vân Phong hoàn thiện toàn bộ trong tháng 11/2022; Nhánh rẽ 220kV đấu nối TBA 500kV Vân Phong hoàn thành trong tháng 9/2022; Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân phần móng kết thúc trong tháng 7/2022, phần cột kết thúc trong tháng 8/2022, phần kéo dây cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022 và hoàn thiện kết thúc trong tháng 11/2022; Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam hoàn thiện đồng bộ tháng 11/2022.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần