Phát triển nhà ở xã hội xanh
Lợi ích dài hạn
Kinhtedothi - Việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) theo tiêu chuẩn xanh được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm và cũng là xu hướng tất yếu. Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Xu hướng tất yếu
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng cho biết, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đề án này là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Phát triển nhà ở xã hội xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hải Linh
Theo ông Vương Duy Dũng, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc phát triển nhà ở, trong đó có NƠXH xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon đang trở nên cấp thiết. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển NƠXH, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển NƠXH xanh. Việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, thân thiện với môi trường, các giải pháp thiết kế thông minh, tối ưu hóa không gian và đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công trình xanh là hướng đi tất yếu. "Điều này không chỉ giúp chúng ta xây dựng nhanh hơn, hiệu quả hơn mà còn tạo ra những NƠXH thực sự chất lượng, an toàn, bền vững và có chi phí vận hành hợp lý cho người dân. Trong đó, các công nghệ mới như kết cấu lắp ghép, vật liệu xanh, thiết kế thông minh đang mở ra cơ hội lớn để chúng ta xây dựng các khu NƠXH có chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường" - Phó Cục trưởng Vương Duy Dũng chia sẻ.
TS Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng chia sẻ, để các dự án NƠXH thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế và bảo đảm chất lượng lâu dài, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống khung kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế - thi công - nghiệm thu là cần thiết. "Các quy chuẩn, tiêu chuẩn không chỉ bảo đảm an toàn kết cấu mà còn định hướng cho việc áp dụng các giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu phù hợp, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thiếu đi một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ, chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực và bảo đảm tính bền vững cho các công trình NƠXH" - TS Nguyễn Hồng Hải cho hay.
Giá bán thấp, chất lượng
Nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận, việc xây dựng NƠXH theo tiêu chuẩn xanh được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm và cũng là xu hướng tất yếu. Và thời gian qua đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án NƠXH nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là các tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời, các dự án này được xây dựng chất lượng, đúng giá, đúng đối tượng theo quy định pháp luật, mang đến cộng đồng văn minh, hiện đại.
Như mới đây, ngày 9/4, tại Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) tổ chức khởi công dự án Ecohome Sông Thương với diện tích hơn 12.000m², dự án gồm 3 tòa tháp 19 tầng, cung cấp 1.265 căn hộ thiết kế hiện đại, tối ưu ánh sáng và thông gió tự nhiên. Điểm nổi bật là dự án đạt tiêu chuẩn xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các giải pháp công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường được ứng dụng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm nước và tối ưu chi phí vận hành cho cư dân. Việc khởi công dự án góp phần mang đến cơ hội cho người dân thu nhập trung bình và thấp được sở hữu nhà ở.
Trước đó, ngày 3/3/2025, liên danh Tổng Công ty Viglacera và Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội (Handico) khởi công dự án NƠXH Thăng Long Green City tại ô đất CT3, Khu đô thị Kim Chung (huyện Đông Anh), dự án sử dụng các thiết bị vệ sinh theo tiêu chí xanh, tiết kiệm nước, hướng tới nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống. Dự án NƠXH Thăng Long Green City có tổng diện tích đất xây dựng gần 3,7ha với 4 tòa nhà cao 12 tầng và 1 tầng tum. Theo thiết kế, Thăng Long Green City sẽ cung cấp nơi an sinh cho hơn 3.900 người dân thuộc đối tượng thụ hưởng NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội với 1.104 căn hộ có diện tích từ 49,8m2 - 64m2. Theo kế hoạch, dự án được mở bán vào cuối năm 2025 với giá thành 18,4 triệu đồng/m2 và bàn giao nhà cho cư dân vào quý IV/2026. Thiết kế công năng tiện ích khoa học đi đôi với các phương pháp triển khai tối ưu, đặc biệt là gói vật liệu xây dựng đồng bộ, xanh và thân thiện môi trường do Viglacera cung cấp.
Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Viglacera Nguyễn Việt Cường cho biết, công trình CT3 - Thăng Long Green City được cung ứng những sản phẩm thuộc hệ sinh thái vật liệu xây dựng xanh của Viglacera, đáp ứng tiêu chí tương đương với các dự án nhà ở thương mại trung và cao cấp với mức giá phù hợp, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng và nhu cầu sử dụng. Những vật liệu tiết kiệm năng lượng và nước sinh hoạt cho người sử dụng. Cụ thể, kính Low - E có hệ số hấp thụ nhiệt mặt trời thấp, do đó giúp giảm 69% công suất máy điều hòa tiết kiệm điện nói riêng, giảm đến 51% chi phí điện năng cho người dùng nói chung. Đây là loại kính cản tới 99% tia UV và 79% bức xạ mặt trời, nên được xếp vào vật liệu xanh và thân thiện.
Bên cạnh đó, sứ vệ sinh với công nghệ xả tiết kiệm nước đi đôi với kháng khuẩn, bảo vệ môi trường sống là một trong những sản phẩm Viglacera dành rất nhiều tâm huyết và tài lực, vật lực cho việc đầu tư cải tiến công nghệ. Vật liệu xây là bê tông khí chưng áp thay thế cho vật liệu xây truyền thống, vừa đẩy tiến độ thi công lên nhanh hơn nhiều so với cách thức xây dựng kiểu cũ, vừa giúp cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm điện điều hòa cho người sử dụng. Gạch ốp lát chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bền vững với thời gian. Đối với riêng thiết bị vệ sinh, dự án sử dụng các dòng sản phẩm bàn cầu, chậu rửa, sen vòi Viglacera có tính năng tiết kiệm nước, công nghệ men Ag+ Ceramic kháng khuẩn kết hợp với ngoại quan nhỏ gọn, tinh tế, phù hợp với thiết kế không gian của NƠXH, đồng thời vẫn bảo đảm công năng trong quá trình sử dụng.
Chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, đưa tiêu chí xanh vào các dự án NƠXH và nhà ở cho người thu nhập thấp rất ý nghĩa vì tổng thu nhập của đối tượng này không cao, giúp giảm hóa đơn thanh toán cho họ hàng tháng. Nếu trong một ngôi nhà việc thông gió tự nhiên, ánh sáng và gió không được thiết kế khéo sẽ phải bật điện hoặc quạt, điều hòa cả ngày rất tốn kém.
Bên cạnh đó, nhiều dự án NƠXH đã được DN đầu tư bài bản với hệ thống sân vườn, bãi đỗ xe, khu sân chơi, tiểu cảnh, khu vui chơi, thể dục thể thao... đi kèm với các dịch vụ, tiện ích công cộng, phục vụ cho cư dân. Hơn nữa, lợi ích dài hạn của các hoạt động xây dựng xanh, chẳng hạn như giảm mức tiêu thụ năng lượng, chi phí hoạt động thấp hơn và giá trị tài sản nâng cao, có thể bù đắp khoản đầu tư ban đầu.
Trích dẫn
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã, đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai hoàn thành các dự án NƠXH theo kế hoạch, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra cho NƠXH không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ở cơ bản mà còn phải hướng tới các mô hình nhà ở xã hội xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.