Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi:

Lợi ích lớn hơn nhiều so với nguy cơ

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 - 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" cuối cùng rất quan trọng cho bức tranh phủ kín vaccine phòng chống Covid-19.

Điều này chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Rất cần thiết cho trẻ em

Theo Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% số trẻ từ 13 - 17 tuổi; 8% trẻ 6 -12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3 - 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0 - 2 tuổi. Những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ tại quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ tại quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ mắc Covid-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì... Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây, đặc biệt khi có biến chủng mới, tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em bắt đầu gia tăng; những trẻ có nguy cơ cao thường tiến triển nặng cao hơn nhóm khác và có một số biến chứng đáng lo ngại.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến nay, số vaccine phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 16.761.339 liều, trong đó, mũi 1 là 8.610.021 liều; mũi 2 là 8.151.318 liều. Thực tế ở Hà Nội, do phủ được vaccine tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu, không đến mức độ chuyển nặng phải nhập viện hoặc có thể tử vong. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị Covid-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi.

“Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi là vấn đề rất hệ trọng, cần thiết không chỉ cho các em mà cho tương lai đất nước” - PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

“Các bậc phụ huynh lo ngại có phản ứng lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề cần hiểu đầy đủ; bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin (mRNA), khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.

Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5 - 7 - 10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn” - PGS.TS Trần Minh Điển phân tích.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong cuộc chiến với Covid-19, vaccine là vũ khí quan trọng. Để tiêm cho trẻ em, kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc Covid-19 rất nguy hiểm.

Chỉ còn 10% số trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc Covid-19 rất cao, do đó, phải giải thích cụ thể cho phụ huynh yên tâm và có kế hoạch tiêm cụ thể, thận trọng. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường.

Bảo đảm an toàn, đi từng bước chắc chắn

Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Tại Việt Nam, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi không thể nóng vội, phải đi từng bước chắc chắn, bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ.

Đưa ra các chứng cứ khoa học và thực tiễn, các chuyên gia đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng, tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Cha mẹ không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho trẻ.

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về tình hình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 cho đến dưới 18 tuổi cho biết, nước ta ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn, chỉ có 0,5 - 10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với khuyến cáo của WHO cũng như nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận.

Đề cập đến vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, số mũi tiêm của chúng ta đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ 12 -17 tuổi đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đã đạt được 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và tính lan tỏa sự chấp nhận của cha mẹ rất cao nên đã đạt được tỷ lệ rất tốt.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, ban đầu số lượng phụ huynh chấp nhận tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chỉ khoảng 70%. Nhưng khi tiêm cho trẻ ở độ tuổi này thành công thì tỷ lệ trẻ được tiêm chủng tăng rất cao. Từ kinh nghiệm đó thấy rằng công tác tổ chức tiêm chủng là vô cùng quan trọng.

Tới đây tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn. Cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ..., tới đây sẽ được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn rất kỹ lưỡng.

Triển khai công tác tiêm chủng bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Mặc dù kinh nghiệm đã có nhưng đối với trẻ em 5 - 11 tuổi thì vaccine Covid-19 vẫn là một vaccine mới, cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được triển khai trong quý I và quý II khi vaccine về đến Việt Nam. Bộ Y tế sẽ tiêm cho trẻ em có yếu tố nguy cơ trước, sau đó tiêm đại trà.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã làm việc rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Bộ cũng theo sát thông tin vaccine nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra...

Bộ Y tế cũng đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể sớm được cung ứng vaccine này.

Khi có vaccine này, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 - 11 tuổi rất quan trọng. Chính phủ đã quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em trong độ tuổi này. Và đây sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Từ các chứng cứ, căn cứ khoa học, thực tiễn cho thấy độ an toàn của tiêm chủng. Không tiêm rủi ro sẽ lớn hơn tiêm rất nhiều, chúng ta phải lựa chọn phương án tốt hơn, không tiêm là phương án xấu hơn rất nhiều, bị lây nhiễm nhiều hơn, trở nặng nhiều hơn, các cháu nguy cơ hậu Covid-19 cũng nhiều hơn. Thương con là phải bảo vệ con tốt hơn, thương con là phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của trẻ em. Chúng ta cũng phải nhìn nhận góc độ quyền được bảo vệ của trẻ em, quyền được tiêm chủng và không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền của trẻ em." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - TS Nguyễn Sĩ Dũng