Lời kêu gọi dang dở từ Davos

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn kinh tế Thế giới năm nay hướng tới một sự nhất quán toàn cầu nhưng nó lại không thể hiện ngay trong chính những phát biểu của lãnh đạo các cường quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn kinh tế Thế giới 2019. 
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Nam Phi, Trung Quốc và Đức hôm 23/1 đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi về sự giám sát toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, trở thành một tín hiệu rõ ràng về sự quan tâm ngày càng cao của quốc tế trong việc gia tăng trách nhiệm pháp lý hơn đối với một ngành công nghiệp hiện chủ yếu nằm dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước ông sẽ sử dụng quyền chủ tịch luân phiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019 để thúc đẩy một hệ thống quản trị dữ liệu quốc tế. Việc giám sát cách sử dụng dữ liệu sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính khi lãnh đạo 20 quốc gia nhóm họp vào tháng 6 năm nay tại Osaka. Bên cạnh trọng tâm của thượng đỉnh G20 năm nay - là việc mở rộng các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bao gồm thương mại về dữ liệu cũng như hàng hóa và dịch vụ - thì ông Abe tỏ ý mong muốn “Osaka G20” sẽ được nhớ đến như một sự khởi đầu cho vấn đề quản trị dữ liệu trên toàn thế giới.
Cùng chung ý tưởng với Thủ tướng Nhật Bản tại diễn đàn Davos, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, sự giám sát lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi khi họ gặp nhau vào đầu tháng tới tại Addis Ababa, Ethiopia. Ông Ramaphosa cũng đề xuất hỗ trợ một cơ quan bao quát có nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn cho toàn bộ hoạt động công nghệ, trong đó ưu tiên trước mắt sẽ là vấn đề an ninh mạng. Bài phát biểu về "thị trường kỹ thuật số chung" của Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh sự giám sát quốc tế trong việc sử dụng dữ liệu sẽ là chìa khóa để hóa giải “nỗi sợ thay đổi” của một bộ phận người dân đối với lĩnh vực công nghệ nói chung hiện nay.
Cũng tại Davos, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã nhắc đến nhu cầu phối hợp quốc tế nhiều hơn trong việc giám sát lĩnh vực công nghệ, nhưng đồng thời cũng đề cao sự tự chủ của mỗi quốc gia. Viện dẫn mối quan hệ chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ của quốc gia - liên quan đến sự giám sát rộng rãi của xã hội dân sự, ông Vương nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia cũng nên được tự đưa ra một số chính sách cho riêng mình, đặc biệt là về mô hình quản lý công nghệ hay các chính sách công.
New York Times đánh giá, điểm còn hạn chế từ nhận xét của 4 nhà lãnh đạo chính là sự thiếu nhất quán để có thể trích dẫn được một lĩnh vực công nghệ cụ thể nào đang đòi hỏi sự áp chế hơn nữa bởi các quy tắc quốc tế. Và thể theo chủ đề của Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay - “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - thì lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo dường như chưa đưa ra được kết luận về một cấu trúc toàn cầu.
Chính quyền Mỹ những năm qua được cho là đã nhiều lần “nhắm mắt làm ngơ” với các hành vi thâu tóm công nghệ của Thung lũng Silicon - nơi từng ủng hộ một tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế cho các chính phủ nhưng lại muốn dùng các tiêu chuẩn đó để áp đặt các hạn chế với nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các dữ liệu đó. Các chính phủ châu Âu nhìn chung trước nay vốn đã ủng hộ mở rộng hơn giới hạn đối với các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu, đặc biệt là thông qua việc EU áp dụng các quy tắc bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt hồi tháng 5 năm ngoái. Trung Quốc gây tranh cãi với việc không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào đối với khả năng truy cập thông tin cá nhân của chính phủ, khi chính quyền nước này có quyền truy cập rộng rãi vào thông tin liên lạc điện tử và sử dụng nhận dạng khuôn mặt để theo dõi người dân.
Như bà Merkel đã khẳng định, sự lan truyền nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hiện nay và những tác động đến tương lai về bảo mật dữ liệu sẽ đòi hỏi nhiều sự hợp tác quốc tế hơn, tuy nhiên lại “không ai biết cách viết các quy tắc”. Lời kêu gọi còn dang dở tại Diễn đàn Davos năm nay đã làm rõ thách thức không hề nhỏ trong việc kết nối hệ thống quy tắc toàn cầu ở lĩnh vực công nghệ, nhưng phần nào thắp lên hy vọng cho G20 Nhật Bản hay các cuộc tụ họp khác của giới tinh hoa chính trị, thương mại thế giới để hướng đến sứ mệnh cuối cùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần