Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi nhuận giảm, cổ phiếu mất giá, ông lớn ngành đá Vicostone liên tục gặp khó

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga - Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics… là những khó khăn đang bủa vây ông lớn ngành đá Vicostone (mã CK: VCS). Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu của DN này “bốc hơi” gần 40% giá trị.

Khó khăn bủa vây, lợi nhuận đi xuống

Công ty CP Vicostone (Mã CK: VCS) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II, với doanh thu thuần 1.725 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 439,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,8% và 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính sau 6 tháng đầu năm, Vicostone ghi nhận doanh thu 3.337 tỷ đồng, lãi trước thuế 881,2 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Năm 2022, Vicostone đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tương ứng là 8.367 tỷ đồng và 2.413 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 18,34% và 15,06%. Như vậy 6 tháng, Vicostone mới hoàn thành 37% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo lý giải từ phía Vicostone, vì doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của công ty chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như: Lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga - Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021...

Thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao. Châu Âu chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, không chỉ bởi vị trí ngay sát trung tâm xung đột, mà còn vì sự phụ thuộc lớn của châu lục này vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Ngoài ra, giá năng lượng và lương thực tăng cao đã góp phần làm lạm phát tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 8,1% vào tháng 5 năm 2022. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6%, cao nhất từ năm 1982, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Lãi suất đi vay cao khiến hoạt động xây dựng nhà ở và mua bán nhà sụt giảm thời gian qua, bên cạnh tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao và thiếu hụt nhân công lao động phổ thông.

Việc thiếu hụt các vật liệu xây dựng, thiết bị nhà bếp, phòng tắm, đồ dùng trong lĩnh vực nội thất, có nguyên nhân từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cước vận chuyển tăng cao cùng với việc thiếu hụt lao động, nhân công…, cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xây dựng, bất động sản nói chung và việc tiêu thụ sản phẩm đá nhân tạo nói riêng tại các thị trường chính, làm trì hoãn tiến độ những dự án nhà ở tại Mỹ và châu Âu dẫn đến tiêu thụ đá rất chậm. 

Cổ phiếu mất gần 40% giá trị từ đầu năm đến nay

Trong nhóm vật liệu xây dựng, cổ phiếu VCS cũng hồi phục khá tốt khi tăng 1.000 đồng/cổ phiếu lên mốc 70.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức khá thấp với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 50 nghìn cổ phiếu. Mã cổ phiếu này giao dịch giá giằng co trong những phiên gần đây khi liên tục đảo chiều. Tính chung qua 1 tháng, VCS vẫn đang mất hơn 17,5% giá trị.

Còn từ đầu năm đến nay, cùng với những biến động của thị trường VCS đã mất gần 39% giá trị. Những khó khăn của thị trường chứng khoán cũng tác động khá rõ lên mã này khi thị giá lao dốc, khối lượng giao dịch cũng giảm sút mạnh, trung bình chỉ đạt hơn 100 nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

Theo Vicostone, phần lớn các yếu tố khó khăn đã được công ty dự tính và đưa vào danh mục rủi ro năm 2022 khi lập kế hoạch và cũng đã được nêu ra tại Đại hội Cổ đông thường niên 2022. Tuy nhiên, biến động khó lường của thị trường vẫn tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh tại các thị trường trọng điểm ở quý II/2022. 

Vicostone sẽ tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, để có những giải pháp phù hợp, quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất. Công ty cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu phát triển, nhằm mang tới cho khách hàng những sản phẩm mới độc đáo, chất lượng tốt nhất với giá cả cạnh tranh; duy trì vị thế tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhằm tăng độ phủ thương hiệu, gia tăng doanh thu bền vững, cố gắng đạt kết quả tăng trưởng tương đương so với năm 2021.