Lối sống và cách điều trị đúng cho người tiểu đường

BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nghiên cứu mới cho thấy: Hầu hết những lời khuyên về lối sống tiêu chuẩn để quản lý bệnh tiểu đường đều giống như những điều thông thường trong cuộc sống: Ăn rau, đi ra ngoài và tập thể dục, và ngủ đủ giấc.

Tuy nhiên, người tiểu đường cần được điều trị đúng, trong đó có việc dùng thuốc, cũng như có lối sống phù hợp hơn.

Các bài học để điều chỉnh bệnh tiểu đường

Theo các chuyên gia, đây là những điểm chính rút ra từ các hướng dẫn mà những người mắc dạng bệnh phổ biến nhất, bệnh tiểu đường loại 2, nên biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phấn đấu để có giấc ngủ ngon, không bị gián đoạn: Các chuyên gia từ lâu đã nhận ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém và béo phì. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các vấn đề về giấc ngủ cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mô hình giấc ngủ bị thay đổi có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một chứng rối loạn nghiêm trọng gây ra những lần ngừng thở ngắn, lặp đi lặp lại suốt đêm, là nguyên nhân thường xuyên khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Bởi vì nó phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường (đặc biệt là những người mắc bệnh béo phì), nên bất kỳ ai có các triệu chứng đặc trưng - ngáy to, khịt mũi và thở hổn hển khi ngủ và buồn ngủ ban ngày mặc dù đã ngủ đủ giấc - nên được đánh giá. Hỏi bác sĩ của bạn về một bài kiểm tra ngưng thở khi ngủ tại nhà.

Đừng "ăn kiêng": Nhiều chế độ ăn kiêng phổ biến như keto (giảm lượng carbodrate xuống không quá 5% trong thực đơn hằng ngày, còn lại là 75% chất béo và 20% protein) hay paleo (chế độ ăn của người thượng cổ bao gồm thịt nạc, cá, trái cây, rau củ, quả hạch, các loại hạt), nhịn ăn gián đoạn và những chế độ ăn khác có thể giúp mọi người giảm cân.

Nhưng hầu hết mọi người đều lấy lại số cân đã mất sau khi họ ngừng tuân theo chế độ ăn kiêng. Thay vào đó, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu dần dần hướng tới một chế độ ăn uống lành mạnh mà chúng ta có thể gắn bó lâu dài.

Các lựa chọn tốt bao gồm mô hình ăn uống Địa Trung Hải (trong khẩu phần ăn sẽ tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cố nguyên hạt; giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt) và chế độ ăn kiêng DASH (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension, là chế độ ăn lành mạnh được thiết kế với mục đích hỗ trợ điều trị tăng huyết áp hoặc phòng ngừa tăng huyết áp) có liên quan chặt chẽ.

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, điều đặc biệt quan trọng là phải tránh nước ngọt có ga và các loại đồ uống có đường khác; cũng nên giảm tần suất ăn món tráng miệng, đồ ngọt và thức ăn béo, đồng thời ăn nhiều carbohydrate giàu chất xơ, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám và gạo lứt.
Tập thể dục một cách an toàn: Đi bộ là bài tập lý tưởng cho hầu hết mọi người, miễn là bạn bắt đầu chậm và tăng dần khoảng cách và tốc độ nếu bạn không hoạt động thể chất.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến việc chọn một đôi giày vừa vặn và thường xuyên kiểm tra bàn chân xem có bị mẩn đỏ, phồng rộp hoặc lở loét không. Đó là bởi vì bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh thần kinh (tê do tổn thương dây thần kinh), khiến bạn không thể cảm nhận được chấn thương nhẹ và vết thương ở ngón chân và bàn chân. Những điều này có thể dẫn đến các vấn đề về chân nghiêm trọng hơn và dẫn đến cắt cụt chi.

Nắm vững mục tiêu điều trị Metformin, loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất để giảm lượng đường trong máu, có thể giúp mọi người giảm cân, giúp cải thiện bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó.

Hai loại thuốc trị tiểu đường tương đối mới, semaglutide (Ozempic) và tirzepatide (Mounjaro), có thể giúp mọi người giảm cân. Chúng cũng làm giảm mức huyết sắc tố A1c tới hai điểm phần trăm (A1c là thước đo lượng đường trong máu trung bình trong 3 tháng).

Như trước đây, hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường nên nhắm tới mức A1c từ 7% trở xuống. các nghiên cứu cho biết, ngay cả khi bạn không giảm cân, việc đạt được mục tiêu đó sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như các vấn đề về thị lực, thận và bệnh thần kinh.

Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, huyết áp mục tiêu là dưới 130/80mm Hg. Mục tiêu cholesterol LDL là giảm ít nhất 50% (hoặc đạt 70 mg/dL hoặc thấp hơn). Nếu bạn đã bị bệnh tim, các hướng dẫn đề xuất mục tiêu LDL thậm chí còn thấp hơn là 55 mg/dL. Để đạt mục tiêu giảm LDL, các bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng statin.