70 năm giải phóng Thủ đô

Lối thoát mới cho Myanmar?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ngày đẫm máu nhất kể từ chính biến ngày 1/2 với 114 người thiệt mạng hôm 27/3, hàng nghìn người dân Myanmar đầu tuần nay tiếp tục xuống đường ở các thị trấn trên khắp đất nước, quyết tâm thể hiện sự phản đối việc quân đội lên nắm quyền. Một thống kê của tổ chức quan sát cho biết, con số thiệt mạng trong biểu tình đã lên tới 462.

 Người biểu tình Myanmar bỏ chạy khi đối đầu quân đội ở thành phố Yangon hôm 19/3. Ảnh: AFP.
Giữa bối cảnh này, một lần nữa vai trò của các lực lượng dân tộc thiểu số Myanmar lại được kêu gọi. Nhóm biểu tình mang tên Ủy ban Tổng đình công các dân tộc (The General Strike Committee of Nationalities) mới đây đã kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số hỗ trợ chống lại sự "áp bức bất công" của quân đội. Nikkei Asian Review từng gọi đây là “lá bài” khả dĩ để giải quyết tình hình căng thẳng tại Myanmar. Giới quan sát nhận định, lực lượng đối lập tại Myanmar đang có dấu hiệu tập hợp sức mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang để đối đầu với quân đội Myanmar hậu chính biến. Cụ thể là chính phủ song song của Myanmar CRPH (đại diện cho Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar) đối lập với chính quyền quân sự hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện CRPH (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw) đang xây dựng căn cứ và tích cực thiết lập liên minh với các lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số kiểm soát vùng biên giới của nước này. Các cuộc đàm phán giữa chính quyền song song CRPH và Đội điều phối tiến trình Hòa bình (PSST) đại diện cho 10 nhóm tổ chức vũ trang dân tộc (EAO) tham gia ký kết Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc (NCA) cũng như các nhóm vũ trang và các chính đảng dân tộc khác đang diễn ra. Một chính quyền song song “đoàn kết dân tộc” có gốc gác ở các khu vực dân tộc thiểu số có thể sẽ sớm thành hình dưới một dạng thức chung. Nhiều người tham gia vào cơ cấu này muốn đạt được một sự hiểu biết nhất định về nhau trước khi kết thúc tháng 3 theo thời gian biểu cho việc thành lập một chính phủ mới chiểu theo Hiến pháp Myanmar sau cuộc bầu cử hồi tháng 12/2020 tại Myanmar.