Mỗi đứa trẻ một số phận
Cứ vào chiều thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, lớp học tình thương trong Trung tâm học tập cộng đồng xã Hành Minh lại vang lên tiếng giảng bài của giáo viên; tiếng ê a đọc bài, tập làm toán của các em nhỏ.
10 học sinh ở các độ tuổi khác nhau ngồi ngay ngắn trong căn phòng nhỏ. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, em thì động kinh, em tăng động, Down, trí não kém, tự kỷ… Điểm chung là tất cả đều là con nhà nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn.
Ngồi trên bậc tam cấp ở ngoài phòng học chờ con, chị Chế Thị Thu Thủy (42 tuổi) thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào trong. Thấy cô bé mỉm cười chào mẹ, chị gật đầu, ánh mắt ẩn chứa nhiều cảm xúc khó nói nên lời.
Chị Thủy là người gốc ở xã Hành Minh, sau đó lập gia đình chuyển về định cư ở xã Hành Thuận. Con gái Trần Ngọc Diễm chào đời xinh xắn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm Diễm vào lớp 1, chị Thủy mới phát hiện ra con mình có vấn đề đáng ngại.
“Con học rất chậm và tiếp thu kém, không biết đọc, không biết viết. Tôi đã tìm giáo viên bên ngoài kèm cháu học thêm nhưng ai cũng lắc đầu, không dám nhận”- chị Thủy kể lại.
Suy nghĩ đủ cách vẫn không tìm được hướng đi khả quan, chị sực nhớ có lần đã nghe đến lớp học tình thương tại quê nhà của cô giáo Trương Thị Thu Cúc. Thế là chị xin chuyển hộ khẩu cho con về lại Hành Minh, ở cùng với ông bà ngoại để sinh sống, học tập.
“Năm nay Diễm 13 tuổi, nghĩa là cô Cúc đã kèm cặp, dìu dắt con suốt 6 năm qua, từ lớp 2 tới giờ. Được cô dìu dắt, chỉ dạy từng con chữ, phép tính, con tiến bộ rõ. Đọc viết thành thạo, môn toán tuy vẫn chậm nhưng đã khá hơn trước nhiều. Tôi chỉ có mụn con gái này, trí óc cháu không được nhanh nhẹn khiến tôi rất đau xót, may mà có cô Cúc…”- chị Thủy rưng rưng.
Ngồi gần chị Thủy là bà Đoàn Thị Mẫn (70 tuổi). Bà Mẫn cũng có cháu ngoại tên Nguyễn Hữu Khánh (10 tuổi) đang theo học tại đây.
“Cháu bị động kinh, trên lớp không theo kịp bạn bè. Sau đó, trường khuyến khích đưa cháu xuống lớp cô Cúc để học thêm. Khánh học ở đây 2 năm rồi. Cô dạy miễn phí mà rất nhiệt tình nên các cháu càng ngày càng tiến bộ. Cháu nào không có sách vở cô còn tìm cách xin về cho tụi nhỏ”- bà Mẫn chia sẻ.
Nối dài hành trình vì con trẻ
Gắn bó với giáo dục gần cả cuộc đời, kinh qua các vị trí từ giáo viên đến cán bộ quản lý, đến khi lớn tuổi về hưu, cô Trương Thị Thu Cúc vẫn canh cánh với những học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt.
“Tôi thấy ở xã Hành Minh có nhiều trẻ em kém may mắn, trí tuệ chậm phát triển... Dù hòa nhập với môi trường giáo dục phổ thông nhưng lại không theo kịp bạn bè cùng trang lứa, có em đã gần trưởng thành mà vẫn chưa biết chữ. Từ đó, tôi nảy ra ý định mở lớp học tình thương và xin phép các cơ quan chức năng để thực hiện. Đến nay, lớp học đã duy trì được 10 năm, dành cho đối tượng trẻ em đặc biệt trong xã, ở độ tuổi từ 7-15”- cô Cúc kể.
Nhớ lại thuở ban đầu, lớp học của “bà giáo già” được tổ chức ở một căn phòng ở UBND xã, chỉ có vài bộ bàn ghế chắp vá xin được ở các trường học xung quanh, chiếc bảng đen phồng rộp gãy một chân được kê tạm trên ghế.
Phòng học tạm bợ, nhưng sách vở, bút mực của bọn trẻ không thiếu bao giờ. Mỗi năm, cô Cúc đều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn... Cô còn trích tiền túi của mình để giúp các em có đầy đủ dụng cụ học tập.
Khó khăn là thế, nhưng cô Cúc chưa bao giờ có ý định từ bỏ, luôn tâm niệm còn sức, còn cố gắng. Sự tiến bộ từng ngày của các em là động lực, cũng là niềm vui lớn nhất giúp cô gắn bó với lớp.
Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em đặc biệt đều gửi gắm cô Cúc dạy dỗ. Chính quyền và ngành giáo dục cũng quan tâm nhiều hơn. Lớp học tình thương của cô Cúc được sửa sang lại, có bảng đen mới, bàn ghế vững chắc...
“Tại các cơ sở giáo dục, giáo viên ít có điều kiện sâu sát, hỗ trợ các em khuyết tật. Do đó, lớp học tình thương, dạy miễn phí ở xã Hành Minh đã giúp các em tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất. Các cô giáo dành rất nhiều thời gian, tình thương để giúp trẻ khuyết tật tiến bộ. Phòng cũng luôn chia sẻ, động viên cô Cúc cùng các cô giáo để lớp học được duy trì và phát huy hiệu quả”- Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành Phan Thị Ánh Lệ cho biết.
10 năm với gần 40 em học sinh khuyết tật ở nhiều dạng đã được kèm cặp, hướng dẫn, nhưng cô Cúc nhớ nhất trường hợp của em Ngô Hữu Phát.
Phát là trẻ bị mắc hội chứng Down, cha mẹ đi làm ăn xa, để em ở nhà cùng ông bà. Không quản được đứa trẻ lì lợm, ngỗ ngược, người nhà thường xuyên nhốt em bên ngoài.
Khi biết về Phát, cô Cúc tìm đến gặp phụ huynh để xin cho em tới lớp. Cô cũng là người đưa đón Phát mỗi buổi học.
"Ngày đầu tới lớp, Phát đánh bạn, dùng đá ném vỡ kính, thậm chí đi vệ sinh tại chỗ. Nhưng dần dà, em thay đổi đến bất ngờ, có kẹo cùng chia cho các bạn và rất thích đi học"- cô Cúc bồi hồi nhớ lại.
Sau 4 năm, Phát đã hoàn toàn khác so với trước kia. Bây giờ Phát đã lớn, vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng cha mẹ và hòa nhập được với cuộc sống. Tết năm nào Phát cũng về và đến thăm cô Cúc.
Trong hành trình giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn, cô Cúc luôn trăn trở việc tìm kiếm, vận động những người chung chí hướng cùng ra đứng lớp, nhất là thầy cô giáo lớn tuổi, đang sinh hoạt trong Hội Cựu giáo chức của xã.
Ngoài cô Cúc, hiện lớp học tình thương còn có 2 cô giáo khác đã nghỉ hưu thường xuyên giảng dạy, kèm cặp các em. Cô Cúc cũng đặt nhiều kỳ vọng, càng về sau sẽ càng có nhiều giáo viên tình nguyện tham gia.
“Tôi mới về hưu, muốn góp sức vào hỗ trợ trẻ em khuyết tật nên vào dạy lớp học tình thương cùng cô Cúc. Để các cháu ham học và muốn đến lớp, mình phải dùng hết tâm sức, vừa là bạn, vừa là mẹ, vừa là cô giáo để dạy các cháu viết chữ, làm toán và một số kỹ năng sống cần thiết”- cô Nguyễn Thị Hương (56 tuổi, cựu giáo viên trường Tiểu học Hành Minh) chia sẻ.