Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lũ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ít nhất 2 người chết và mất tích

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao, mưa lớn gây lũ ống, lũ quét xảy ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc xu, bước đầu gây thiệt hại và người và tài sản của người dân.

 Lũ quét tại Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, sáng sớm nay (23/10) bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Ngoài ra do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén nên thời tiết trong đêm hôm nay ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông xảy ra ở nhiều nơi, một số nơi có lượng mưa lớn như: Lạc Sơn (Hòa Bình) 69mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 141mm, Mai Châu (Hòa Bình) 98mm, Ngân Sơn (Bắc Cạn) 83mm, Lạng Sơn 86mm, Hà Nam 89mm, Nho Quan (Ninh Bình) 76mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 114mm…
Dự báo, ngày và đêm nay (23/10), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 2 - 3, ở các tỉnh Bắc Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20 - 23 độ C, vùng núi phía Bắc 18 - 20 độ C.
Trong khi đó, mưa dông tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa; khu vực vùng núi Bắc Bộ mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang có mưa rất to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Lũ ống, lũ quét gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Thông tin từ UBND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, ngày 22/10, mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ ống tại thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa, huyện Quang Bình khiến 2 người chết và mất tích, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, hoa màu của nhân dân và các công trình phúc lợi trên địa bàn.
Nạn nhân là 2 cha con ông Hoàng Văn Sầu (sinh năm 1954), thường trú ở thôn Bản Rịa, huyện Quang Bình. Lũ ống cũng làm 2 người bị thương; 6 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà bị thiệt hại nặng, nhiều ngôi nhà bị sạt lở đất đá, nhiều diện tích lúa vụ mùa đang chuẩn bị thu hoạch bị vùi lấp mất trắng toàn bộ; nhiều gia súc của đồng bào dân tộc thiểu số bị chết do lũ ống cuốn trôi.
Đặc biệt, mưa lũ đã sạt lở ta luy dương tuyến đường quốc lộ 279 Yên Thành vào trung tâm xã Bản Rịa với tổng chiều dài tuyến trên 1,2 km, sạt lở hàng chục nghìn mét khối đất đá; trôi cống và nhiều đoạn đường phần ta luy âm cũng bị sạt lở nên giao thông ở Bản Rịa bị cô lập hoàn toàn.
Mưa lũ cũng khiến cơ sở vật chất của trường học, nhà lưu trú học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bản Rịa bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chiều tối 22/10, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Quang Bình đã kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo xã Bản Rịa và các lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích, tạm thời bố trí cho các hộ bị lũ cuốn trôi nhà và sạt lở đến nơi ở an toàn. Khẩn trương khắc phục thông tuyến đường đi vào xã Bản Rịa.
Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quang Bình hỗ trợ các gia đình có nạn nhân bị chết và mất tích 5 triệu đồng/hộ; 6 hộ bị lũ cuốn trôi nhà được hỗ trợ 3 triệu đồng một hộ.
 Lũ ống tại huyện Quang Bình. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của cơ quan thường trực PCTT và TKCN huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, lực lượng chức năng tại xã Nghĩa Đô vớt được xác 1 nam giới khoảng 50 tuổi tại suối Nghĩa Đô, bước đầu xác định có thể là người ở Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (chưa rõ nguyên nhân).
Ngoài ra, trận lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện rạng sáng 22/10 đã làm 9 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn (Bản Lằng 4 nhà, bản Nà Đình 5 nhà); 87 nhà bị ảnh hưởng do ngập nước; 96,6 ha lúa bị ngập; 6,6 ha hoa màu bị ngập; 4,4 ha ao cá bị ngập, mất 5,7 tấn cá; 306 con lợn và 1.050 gia cầm bị chết; 1 cầu sắt bản Lằng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; Tỉnh lộ 153 bị sạt lở ta luy âm (đường dẫn vào cầu) 700m; ngầm tràn bản Nà Đình bị hư hỏng hoàn toàn 1 nhịp, 3 nhịp bị ảnh hưởng; 9 cột điện bị gãy đổ; một số tuyến kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, vùi lấp. Hiện, các cơ quan chức năng của huyện Bảo Yên đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Mùa Đông 2018 đến sớm
Nhận định về diễn biến thời tiết trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Quốc gia cho biết, mùa Đông năm 2018 đến sớm hơn so với 5 năm gần đây.
Cụ thể, từ 7/9 năm nay, đợt không khí lạnh đầu tiên đã tràn xuống nước ta. Còn tại các nước trên thế giới, tuyết đã xuất hiện ở Bắc Bán Cầu trong tháng 8 vừa qua, điều này là chưa từng có.
Ông Hải đánh giá, tháng 12/2018, tháng 1 - 2/2019 sẽ là tâm điểm rét của mùa đông năm nay tại nước ta. Đây là thời điểm xuất hiện dày đặc các đợt rét đậm, rét hại.
Vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Quốc gia dự báo, mùa đông năm nay xuất hiện từ 2 - 4 đợt băng tuyết. Băng tuyết xuất hiện ở một số khu vực vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Phia Oắc (Cao Bằng)…
Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm 2018 - 2019 có xu hướng xuất hiện trong khoảng nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm. Trong mùa đông xuân 2018 - 2019 rét đậm rét hại không kéo dài, khoảng 4 - 7 ngày, tập trung tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019.