Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.
Còn nhớ trước Tết Nuyên đán Nhâm Dần 2022, tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc kéo dài nhiều ngày đã làm đau đầu các nhà quản lý về giải pháp tháo gỡ cũng như gây thiệt hại không nhỏ cho DN. Đáng nói, đây là câu chuyện không mới như điệp khúc đến hẹn lại lên và mặc dù các bộ ngành, địa phương đã nhận thấy vấn đề này từ sớm nhưng phương thức xử lý vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay đa phần các DN Việt Nam và Trung Quốc vẫn lựa chọn xuất khẩu tiểu ngạch (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép giá… Trong khi đó, với quy mô sản xuất và năng suất nông sản ngày càng cao của Việt Nam như hiện tại thì tình trạng ùn ứ là khó tránh khỏi với cách làm cũ.
Thực tế này đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết hiệu quả về mặt lâu dài. Bởi, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, thị trường hơn 1,4 tỷ dân này cũng đang đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Quan trọng hơn cả, trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Vì vậy, các DN, thương nhân xuất khẩu Việt Nam nếu không chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng...) sẽ rất khó để có thể làm ăn lâu dài.
Chính phủ đã từng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất với các tỉnh biên giới xây dựng những khu trung chuyển đa năng để nhà nhập khẩu tuyển chọn, sơ chế, đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch sau đó xuất khẩu qua nước bạn nhằm chủ động hơn. Song song với đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn trên một cách triệt để, góp phần ổn định xuất khẩu nông sản qua biên giới, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu đặt ra là Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đặc biệt nông dân, hợp tác xã, DN cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để thích nghi với yêu cầu mới của thị trường. Chỉ có như vậy, bài toán ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu cũng như khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thương mại với thị trường Trung Quốc mới được giải quyết dứt điểm.