Lừa đảo trên mạng xã hội: mối đe dọa hiện hữu trong đời sống số
Kinhtedothi - Mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đánh vào lòng tin và sự bất cẩn của người dùng. Từ giả mạo tài khoản, lừa chuyển tiền đến chiêu trò trúng thưởng… Hàng loạt vụ việc xảy ra mỗi ngày đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường nhận thức, siết chặt quản lý và bảo vệ người dùng trên không gian mạng.

Ảnh minh họa.
Mạng xã hội thành công cụ để đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân
Thông tin từ Cục An toàn thông tin, ngay trong tuần đầu tiên của năm 2025, đã có 6.685 phản ánh trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi về. Trong đó có 213 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); còn lại 6.472 trường hợp phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo thông qua tổng đài 156/5656.
Không khó để bắt gặp các vụ việc lừa đảo tinh vi trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok. Vào mùa du lịch, các đại lý và homestay, khách sạn đẩy mạnh quảng cáo đến khách hàng. Lợi dụng tình trạng này, các fanpage giả mạo cũng hoạt động mạnh nhằm tiến hành các hoạt động lừa đảo. Đây là thủ đoạn không mới nhưng với sự tinh vi của các đối tượng và sự mất cảnh giác của khách hàng, nhiều người vẫn mắc bẫy.
Năm nay, nhóm bạn của chị Vũ Phương Thu (quận Hoàng Mai) quyết định chọn Resort Quỳnh.V (tại Hà Tĩnh) để đi du lịch Hè. Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên Facebook và Tiktok thì resort này có đến 2 - 3 trang trên mỗi nền tảng với cùng địa điểm nhưng số điện thoại liên hệ lại hoàn toàn khác nhau. Lượt theo dõi hàng nghìn người ở mỗi trang nhưng lượt tương tác không nhiều. "Tôi không biết làm cách nào để xác định đâu là fanpage thật, đâu là giả. Chính vì thế mà kế hoạch của chúng tôi chưa triển khai được. Có lẽ phải đặt tour qua công ty du lịch cho an toàn", chị Thu chia sẻ.
Mạng xã hội không chỉ là công cụ kết nối mà đang bị biến tướng thành công cụ tiếp cận nạn nhân cho các đối tượng lừa đảo. Ngoài hình thức trên, các chiêu trò lừa đảo phổ biến khác nữa phải kể đến: giả mạo tài khoản người thân, quen để vay tiền, lừa chuyển khoản; lừa đảo qua đường link độc hại: kẻ xấu gửi đường link chứa mã độc, yêu cầu đăng nhập, từ đó chiếm đoạt tài khoản; livestream bán hàng giả, trúng thưởng ảo: sử dụng hình ảnh người nổi tiếng/KOL hoặc cắt ghép clip và sử dụng AI để tạo lòng tin…
Đặc biệt, công nghệ Deepfake đang bị lợi dụng ngày càng nhiều. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng thông qua AI cho phép tạo ra những chiến lược lừa đảo tinh vi. Điều này cũng có nghĩa là mức độ phức tạp của các kịch bản lừa đảo khi kết hợp giữa Deepfake và GPT sẽ ngày càng cao, khiến việc nhận diện lừa đảo sẽ khó khăn hơn rất nhiều
Tăng cường "vaccine số" và hành lang pháp lý

Đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.Việt Nam.
Dù có nhiều cảnh báo được đưa ra, người dân vẫn là mắt xích yếu nhất khi dễ dàng tin tưởng thông tin nhận được. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kỹ năng số, đặc biệt ở người cao tuổi và học sinh; chủ quan với các tài khoản tưởng chừng quen thuộc; tâm lý hám lợi, nhẹ dạ với các chiêu trò "trúng thưởng", "ưu đãi cực lớn", "giúp người thân lúc khó khăn"…
Trước thực trạng lừa đảo mạng xã hội ngày càng phức tạp, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ Công an đã đề xuất hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng thành Luật An ninh mạng năm 2025, dự kiến sẽ trình trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025). Qua đó, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh trên không gian mạng, đồng thời bảo mật, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng…
Trong khi đó, Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang mở ra bước ngoặt quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng lộ lọt thông tin, bảo vệ người dân khỏi lừa đảo trên mạng. Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được đưa ra thảo luận và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu với kỳ vọng sớm hình thành một "lá chắn pháp lý" đủ mạnh để bảo vệ quyền riêng tư của người dân.
Song, trước mắt, cần nâng cao nhận thức người dùng bằng nhiều hình thức, như lan tỏa phong trào "Bình dân học vụ số", đưa giáo dục kỹ năng số vào trường học, tổ dân phố… Tăng trách nhiệm của các nền tảng số có đông đảo người dùng như Facebook, TikTok, Telegram. Phát triển các công cụ quét, chặn các link độc, nhận diện deepfake, cảnh báo AI giả mạo ngay trong quá trình người dùng sử dụng mạng xã hội. Tăng cường cơ chế xử lý nhanh, liên thông giữa các bên khi người dân báo cáo, phản ánh lừa đảo…
Mạng xã hội là phần tất yếu của đời sống hiện đại, nhưng cũng là mặt trận tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để bảo vệ người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế, không thể chỉ dựa vào sự cẩn trọng cá nhân mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp nền tảng đến các tổ chức xã hội và người dùng.
Sự văn minh, an toàn của không gian mạng không phải là khái niệm trừu tượng, mà là quyền được sống trong môi trường số không bị đe dọa, không bị lợi dụng. Và muốn đạt được điều đó, cần những hành động thực chất, kịp thời và đồng bộ hơn bao giờ hết.

An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số
Kinhtedothi - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức gặp mặt hội viên năm 2025 chủ đề "An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số".

Lấp đầy "khoảng trống" nhân lực về an ninh mạng
Kinhtedothi - Đến cuối năm 2024, có hơn 20,06% đơn vị cho biết chưa có nhân sự chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách. Điều này gióng lên hồi chuông về sự cấp thiết của đội ngũ nhân lực nhằm bảo đảm an ninh, bảo mật hệ thống của các tổ chức, doanh nghiệp.

Tạo cơ sở pháp lý toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Kinhtedothi - Thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là tài sản quý, cần cấm mua bán; đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm tới mức xử phạt hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.