Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lấp đầy "khoảng trống" nhân lực về an ninh mạng

Kinhtedothi - Đến cuối năm 2024, có hơn 20,06% đơn vị cho biết chưa có nhân sự chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách. Điều này gióng lên hồi chuông về sự cấp thiết của đội ngũ nhân lực nhằm bảo đảm an ninh, bảo mật hệ thống của các tổ chức, doanh nghiệp.

Thiếu nhân sự về an toàn, an ninh mạng sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý các nguy cơ.

Thiếu đội ngũ nhân sự chuyên về an ninh mạng

Theo khảo sát được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA thực hiện và công bố hồi cuối năm 2024, có hơn 20,06% đơn vị cho biết chưa có nhân sự chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách. Đây là con số rất nhỏ so với yêu cầu thực tế hiện nay.

Việc thiếu nhân sự về an toàn, an ninh mạng sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong quản lý các nguy cơ, đồng thời làm giảm hiệu quả phản ứng và đối phó khi xảy ra sự cố. Thậm chí, khiến cho các tổ chức dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng, dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tài chính và uy tín.

Báo cáo do Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) xây dựng dựa trên dữ liệu từ Hệ thống Tri thức an ninh mạng (Viettel Threat Intelligence) trong năm 2024 cũng cho thấy, nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam tiếp tục lan rộng, minh chứng ở các cuộc tấn công mạng gia tăng số lượng và các phương thức, quy mô tấn công ngày càng tinh vi.

Có gần 40.000 lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện, tăng 46% so với năm 2023. Trong đó, 47% là các lỗ hổng mức cao và nghiêm trọng, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ phổ biến như hệ thống VPN, máy chủ web và phần mềm quản trị. Các tổ chức tại Việt Nam đối mặt với rủi ro từ nhiều lỗ hổng chưa được vá, với 143 lỗ hổng được cảnh báo có nguy cơ ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành Tài chính, Năng lượng và Công nghệ là nơi các hệ thống trọng yếu thường xuyên bị tin tặc khai thác…

Chủ tịch Công ty An ninh mạng SCS Ngô Tuấn Anh phân tích, Việt Nam là quốc gia có tới hơn 78 triệu người dân tiếp cận và sử dụng Internet với phổ người dùng rộng. Các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục và các ưu đãi cho phát triển năng lực an ninh mạng; các sáng kiến nâng cao nhận thức về an ninh mạng… đã được đầu tư, chú trọng bước đầu. Tuy nhiên, để thúc đẩy và nhân rộng thì vẫn cần có thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để triển khai trong thực tiễn.

Xây dựng đội ngũ nhân lực đảm bảo an toàn an ninh mạng

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên trách an toàn, an ninh mạng tại các tổ chức, doanh nghiệp trong nước xuất phát từ cả chủ quan và khách quan.

Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA Vũ Ngọc Sơn phân tích: "Các trường đào tạo an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay cung cấp chưa đủ số lượng cho nhu cầu của thị trường. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đồng đều, đa số không có kinh nghiệm thực tế nên rất khó để tham gia vận hành các hệ thống quan trọng. Mặt khác, nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đánh giá đúng mức độ quan trọng của an ninh mạng, dẫn đến việc đầu tư vào nhân sự chuyên trách bị xem nhẹ".

Thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam đang cần đội ngũ nhân sự chuyên về an toàn, an ninh mạng lớn. Hiện có rất nhiều người trẻ giỏi, đam mê công nghệ, nhưng rào cản lớn nhất chính là khoảng cách giữa kiến thức học thuật và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng khi bước vào môi trường làm việc lại bỡ ngỡ vì chưa từng được va chạm với các tình huống thực tế, chưa hiểu được cách một hệ thống phòng thủ vận hành trong đời sống thật…

Do đó, các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo nghề cần tích cực cập nhật và phát triển các chương trình đào tạo về an toàn, an ninh mạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; Tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp an ninh mạng phát triển...

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề cụ thể như: về công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo AI nội địa và xây dựng hạ tầng số tự chủ; về kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp số trong nước để giảm tỷ lệ phụ thuộc vào những tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài… Chính phủ cũng sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu một các mạnh mẽ và giám sát dữ liệu xuyên biên giới…

Với những nỗ lực không ngừng, việc xây dựng được một đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh mạng vững mạnh sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Khát nhân lực ngành đường sắt hiện đại

Khát nhân lực ngành đường sắt hiện đại

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5

Đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5

25 Apr, 05:18 PM

Kinhtedothi - Thực hiện Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 17.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5/2025; Bộ KH&CN đã có công văn số 792/BKHCN-CVT ngày 18/4/2025 yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tổ chức quán triệt nội dung Công điện đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ