Sắp vận hành nền tảng đào tạo và cấp chứng nhận an ninh mạng
Kinhtedothi - Nền tảng đào tạo và cấp chứng nhận an ninh mạng nCademy được xây dựng với mục tiêu tạo một cộng đồng học tập, nâng cao nhận thức và nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng.
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã giới thiệu Nền tảng đào tạo và cấp chứng nhận an ninh mạng nCademy.

Mô hình nền tảng nCademy. Ảnh: Internet.
Tạo cộng đồng học tập, nâng cao nhận về an ninh mạng
Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Việt Nam dự kiến thiếu hụt hơn 700.000 nhân sự chuyên trách về an ninh mạng trong thời gian tới. Khảo sát của NCA cho thấy, có tới hơn 20% cơ quan, DN tại Việt Nam chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng và 35,56% đơn vị không có đủ nhân sự theo nhu cầu.
Mặt khác, hiện nay Việt Nam chưa có các chứng nhận tương tự như các chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng như SANS, Offensive, EC-Council. Điều này gây khó khăn cho các nhân sự làm an toàn thông tin, do các chứng chỉ quốc tế có chi phí cao và khó tiếp cận.
Trích dẫn
Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU hồi tháng 9/2024 đã công bố Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI năm 2024, xếp hạng Việt Nam vào nhóm nước "kiểu mẫu", đứng thứ 17 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, tăng 8 bậc so với đánh giá công bố năm 2021. Báo cáo cũng cho thấy, trong khi 4 trụ cột là pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và hợp tác đều được điểm tuyệt đối 20/20, trụ cột về nâng cao năng lực của Việt Nam có điểm số thấp hơn, đạt 19,74 điểm.
Thực tế trên là lý do NCA xây dựng nền tảng đào tạo và cấp chứng nhận an ninh mạng nCademy. Nền tảng được xây dựng với mục tiêu tạo một cộng đồng học tập, nâng cao nhận thức và nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng. Người học sẽ được phát triển kỹ năng toàn diện, thi và được cấp chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học.
"Chúng tôi kỳ vọng nền tảng nCademy sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự an ninh mạng của đất nước. Hệ thống chứng nhận của nền tảng sẽ góp phần chuẩn hóa năng lực, hướng tới được sử dụng rộng rãi, tương đương với các chứng chỉ quốc tế phổ biến hiện nay tại Việt Nam", đại diện NCA chia sẻ.
Thử nghiệm quy mô nhỏ trong vòng 3 tuần
Dự kiến, nền tảng nCademy sẽ chạy thử nghiệm quy mô nhỏ trong vòng 3 tuần tại địa chỉ nCademy.vn, trước khi hoạt động chính thức từ ngày 6/5 tới.
Sau khi đi vào vận hành chính thức, nền tảng nCademy sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến, từ cơ bản đến nâng cao, hỗ trợ đa nền tảng, gồm ứng dụng web và ứng dụng trên di động. Học liệu được xây dựng đa dạng, tài liệu hướng dẫn nghiên cứu, thực hành với các nội dung minh hoạ trực quan sinh động (hình ảnh, video).
Đặc biệt, nCademy tập trung vào đào tạo thực hành thông qua các phòng thí nghiệm an ninh mạng ảo, có thể mô phỏng nhiều hệ thống thực tế từ hệ thống CNTT, hệ thống điều khiển công nghiệp đến các hệ thống với các thiết bị IoT như camera, nhà thông minh.
Nền tảng cũng được ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI giúp cá nhân hóa lộ trình học tập, đề xuất khóa học phù hợp, hỗ trợ đánh giá kết quả học và xác nhận trình độ kỹ năng an ninh mạng. Các chứng nhận an ninh mạng sẽ được cung cấp dưới dạng bản in hoặc bản điện tử có ký số.
nCademy có ưu điểm là được đầu tư, triển khai, vận hành tập trung, khắc phục sự không đồng đều về hạ tầng công nghệ và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ đào tạo chất lượng cao cho người học, ai cũng có thể tham gia mà không bị giới hạn bởi địa lý.
Không chỉ hướng tới các nhân sự chuyên trách về an ninh mạng, nền tảng cung cấp cả các khoá học phổ cập, nâng cao, cập nhật nhận thức, kỹ năng an ninh mạng cho người dùng phổ thông.
Tạo điều kiện để người học trên toàn quốc có thể tiếp cận các khóa học với thời gian linh hoạt, tối ưu hóa hiệu quả tiếp thu, góp phần hình thành phong trào học tập, rèn luyện kỹ năng an ninh mạng thường xuyên.
Để phát huy sức mạnh cộng đồng, NCA sẽ vận hành nền tảng kỹ thuật tập trung, trong khi các cơ quan, doanh nghiệp an ninh mạng trong nước và quốc tế sẽ thiết kế, xây dựng môi trường ảo hoá, khóa học, kịch bản tấn công phòng thủ và cung cấp chuyên gia hướng dẫn, giảng dạy.
Chất lượng các khoá học được kiểm định, giám sát bởi hội đồng chuyên môn đến từ Viện nghiên cứu An ninh mạng (CRI) thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Viện công nghệ thông tin, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đại diện NCA cũng cho biết thêm, dự án nCademy không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí phát triển được huy động từ nguồn vận động tài trợ xã hội. Các khóa học mang tính tuyên truyền, phổ cập kiến thức sẽ được cung cấp miễn phí. "Còn những khóa học đòi hỏi môi trường thực hành và có giảng viên hướng dẫn sẽ thu phí người học để duy trì hạ tầng và phát triển nội dung", đại diện NCA thông tin.

Những công việc có nguy cơ biến mất vì trí tuệ nhân tạo
Kinhtedothi - Với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, nhiều ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị thay thế, đặt ra thách thức lớn đối với thị trường lao động và an sinh xã hội.

Cơ hội và thách thức của báo chí khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ
Kinhtedothi - Nhằm thảo luận, mang đến cái nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức của ngành báo chí trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), chương trình Tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” đã được tổ chức.

Trí tuệ nhân tạo: "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực
Kinhtedothi - Trong kỷ nguyên số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của kinh tế số, AI còn được xem như một "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, du lịch đến y tế…