Trí tuệ nhân tạo: "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực
Kinhtedothi - Trong kỷ nguyên số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của kinh tế số, AI còn được xem như một "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, du lịch đến y tế…
Trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội to lớn cho ngành giáo dục, giúp tối ưu hóa quá trình học tập, cá nhân hóa giáo trình và cải thiện quản lý giáo dục.
Việc ứng dụng AI trong giáo dục đang được nhiều địa phương triển khai. Năm học 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và định hướng học sinh về trí tuệ nhân tạo, tham gia kiểm tra trình độ tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mở ra nhiều cơ hội đột phá. Ảnh: Phạm Hùng.
Trong khi đó, Hà Nội cũng đã thực hiện thí điểm mô hình giáo dục thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo tại một số trường học. Sau khi thử nghiệm thành công, dự kiến mô hình giáo dục này sẽ được nhân rộng tại Hà Nội. Những bước tiến này cho thấy việc ứng dụng AI trong giáo dục đang được quan tâm và triển khai rộng rãi trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, trí tuệ nhân tạo còn góp phần trong việc bảo tồn và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa khi hỗ trợ tái tạo, số hóa di tích, di sản, tác phẩm nghệ thuật…và giúp quảng bá rộng rãi các giá trị này đến với cộng đồng.
"AI có thể hỗ trợ số hóa các hiện vật, tư liệu lịch sử và công trình kiến trúc bằng công nghệ quét 3D, giúp lưu giữ và tái tạo các di sản có nguy cơ bị mai một. Đồng thời, AI có thể phân tích và xử lý dữ liệu từ các tài liệu cổ, giúp dịch thuật, phục hồi nội dung bị hư hại, thậm chí tái hiện những nét văn hóa đã bị lãng quên" - TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho biết.
Có thể coi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI là "cánh tay nối dài" để hỗ trợ cho tiến trình bảo tồn di sản văn hóa hay phục dựng các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn, mở rộng hơn và lan tỏa nhanh hơn đến với công chúng.
Hiện nay, trong đề án "Thành phố thông minh" có đề án "Du lịch thông minh", tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung cho du lịch. Đây là nền tảng mà các đơn vị có thể nhập và chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực du lịch, giúp DN có thêm cơ sở để phát triển hệ thống riêng.
Cụ thể, nhiều DN du lịch đã bắt đầu ứng dụng AI trong các dịch vụ của mình. Các ứng dụng như Traveloka hay Booking.com… không chỉ đơn thuần là nền tảng đặt dịch vụ mà còn trở thành "người hướng dẫn" thông minh, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân.
Không dừng lại ở đó, AI còn hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN du lịch trong việc tối ưu hóa hoạt động vận hành. Những tác vụ như quản lý đặt phòng, điều chỉnh giá phòng khách sạn theo thời gian thực, dự báo lượng khách đến một điểm du lịch đều có thể được AI đảm nhiệm một cách hiệu quả.
Một trong những ứng dụng phổ biến khác của AI trong du lịch là việc sử dụng chatbot và trợ lý ảo. Những công nghệ này giúp các doanh nghiệp du lịch duy trì tương tác với khách hàng 24/7, trả lời các câu hỏi thường gặp, hỗ trợ đặt chỗ và giải quyết các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng…
Được kỳ vọng là bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe con người, trí tuệ nhân tạo AI đang mở ra "kỷ nguyên mới" cho ngành y tế, mang lại những cải tiến vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị và quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe…
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, với sự hỗ trợ của AI, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác hơn, từ đó áp dụng phương pháp điều trị phù hợp hơn với từng người. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch hay các bệnh lý thần kinh, nơi mà việc can thiệp sớm có thể cứu sống bệnh nhân.
"AI không chỉ giúp bác sĩ cải thiện độ chính xác mà còn giúp họ làm việc hiệu quả hơn, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian" - GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nhận định…
Các chuyên gia nhận định rằng, trí tuệ nhân tạo AI sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì vậy, không nên coi trí tuệ nhân tạo AI chỉ là một công cụ mà cần nhìn nhận AI một cách toàn diện hơn. Từ đó, giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, tận dụng tối đa lợi ích của AI và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.

Trí tuệ nhân tạo: "phép màu" cứu sống người mắc bệnh nan y
Kinhtedothi - Khi các bác sĩ "bó tay" trước cái chết cận kề, một công nghệ bất ngờ đã thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người mắc bệnh hiếm – sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Cơ hội và thách thức của báo chí khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ
Kinhtedothi - Nhằm thảo luận, mang đến cái nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức của ngành báo chí trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), chương trình Tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” đã được tổ chức.