Luẩn quẩn ngành than

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được coi là vàng đen, nhưng từ năm 2009 tới nay, xuất khẩu than cũng như nguồn thu từ ngành hàng này liên tục giảm mạnh.

Ngân sách đang khó khăn, chính sách thuế tài nguyên mới áp dụng chưa được nửa năm, do đó cùng với việc bác đơn đề nghị giảm thuế xuất khẩu than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 – 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 - 4 triệu tấn/năm.
 Từng được coi là vàng đen, nhưng từ năm 2009 tới nay, xuất khẩu than cũng như nguồn thu từ ngành hàng này liên tục giảm mạnh. 9 tháng năm 2016, xuất khẩu than chỉ đạt hơn 730.000 tấn, thu về 73,8 triệu USD. Xuất khẩu than thời gian qua được liệt vào nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhanh, nhiều nhất, với việc giảm 48% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. TKV không chỉ gặp khó trong việc xuất khẩu mà còn gặp sức ép ngay chính thị trường trong nước, khi than nhập tràn vào với giá rẻ.
Thực tế, việc tính toán xuất, nhập bất cứ nhiên liệu gì, trong đó có than, phải xuất phát từ thực tế nguồn tài nguyên Việt Nam có sẵn và nhu cầu phát triển nền kinh tế. Vấn đề là phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối giữa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng với việc xuất khẩu để tạo nguồn thu. Tuy nhiên, một thời gian dài khi giá dầu cao, lượng lớn than được TKV đào lên để xuất khẩu với bất kỳ chi phí nào. Thậm chí TKV đòi bằng được độc quyền việc này. Nhưng khi giá dầu thấp, TKV mặc kệ các ngành có sử dụng than tự xoay xở nhập khẩu than để dùng. Điều này khiến nhiều nhà máy điện, xi măng… giảm lượng mua từ TKV để tìm những nguồn từ những thị trường mới. Điều này dẫn đến nghịch lý trong khi nhập khẩu than tăng mạnh thì hiện TKV tồn kho tới hơn 12 triệu tấn than. Từ một nước được coi là "thủ phủ vàng đen", Việt Nam đang phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tìm cách cứu nguy cho an ninh năng lượng quốc gia.
Và khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, TKV lại đánh tiếng cần sự hỗ trợ. Song những kiến nghị giảm thuế, trong đó có thuế tài nguyên đối với mặt hàng than (hiện đang là 10% và 12%) khó được chấp nhận. Cùng với đó, giải pháp tăng xuất khẩu than để giải bài toán tồn kho được đưa ra. Đây được coi là giải pháp khả thi lúc này nhưng nếu nhìn về dài hạn, khó khăn của TKV hiện tại và rất có thể là trong tương lai vẫn sẽ tái diễn nếu tập đoàn này không thực hiện việc tái cơ cấu hiệu quả. Giá bán than trên thị trường thế giới liên tục giảm do nhu cầu giảm mạnh cho thấy loại nhiên liệu này không còn là loại năng lượng phù hợp cho phát triển. Chính vì thế, thay vì đặt câu hỏi có nên cứu ngành than hay không, cứu như thế nào thì việc tìm một hướng phát triển năng lượng bền vững phù hợp hơn trong tương lai thực sự đáng suy ngẫm hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần