Luật Tần số vô tuyến điện: Tạo thị trường viễn thông lành mạnh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vừa được Quốc hội thông qua được xem là đột phá quan trọng, nhằm giải quyết “điểm nghẽn” của thị trường viễn thông suốt 13 năm qua vì thiếu tần số phát triển mạng 4G/5G.

Nhiều thay đổi quan trọng 

Mới đây, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, với tỷ lệ tán thành cao 89,16%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. So với phiên bản năm 2019, luật mới lần này được bổ sung thêm 30 điều. Trong đó có nhiều quy định được xem là “cởi trói” cho sự phát triển của thị trường viễn thông trong nước.

Điểm mới đầu tiên của Luật là quy định rõ những trường hợp nào sẽ tổ chức đấu giá, cấp trực tiếp hoặc thi tuyển để cấp phép tần số. Đây chính là vướng mắc chính khiến 13 năm nay chưa có nhà mạng nào được cấp phép thêm băng tần mới, đồng nghĩa với việc không có băng tần chuẩn cho 4G và 5G.

Luật Tần số vô tuyến điện mới sẽ giải quyết vấn đề thiếu không gian phát triển cho 5G.
Luật Tần số vô tuyến điện mới sẽ giải quyết vấn đề thiếu không gian phát triển cho 5G.

Cụ thể, băng tần sử dụng cho mục đích mở rộng mạng lưới viễn thông mà không ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng sẽ được cấp qua phương thức đấu giá. Chính phủ là cấp đưa ra quy định chi tiết về xác định giá khởi điểm và thẩm định điều kiện nhà mạng tham gia đấu giá. Còn đối với trường hợp cấp phép trực tiếp sẽ được áp dụng cho nhà mạng đang tiến hành thử nghiệm công nghệ mạng và dịch vụ viễn thông mới. 

Bên cạnh đó, Luật cũng có quy định cụ thể về các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số ngoài quy hoạch. Theo đó, nếu nhà mạng hợp tác với quốc tế hoặc triển khai công nghệ mới với mục đích nghiên cứu, thử nghiệm hoặc sử dụng để triển lãm sẽ được cơ quan quản lý xem xét cấp phép. Điều này là rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của viễn thông trong nước.

Tuy đấu giá băng tần sẽ dựa trên mức trả giá của doanh nghiệp nhưng kết quả vẫn phải thỏa mãn băng tần được sử dụng hiệu quả. Do đó, đối với các nhà mạng đã được cấp phép sử dụng băng tần phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đã đề ra từ vòng xem xét điều kiện như: tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới hoặc số lượng trạm phát sóng phải triển khai; vùng phủ sóng; thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ tính từ thời điểm cấp phép; chất lượng dịch vụ và chuyển vùng viễn thông.

Nếu nhà mạng vi phạm nội dung cam kết, tùy vào tình hình cụ thể sẽ bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số đã được cấp mà không được hoàn trả phí cấp quyền sử dụng đối với phần tần số đó. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành cụ thể hơn về việc xử lý vi phạm dạng này.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể phải có giới hạn tổng độ rộng băng tần mà nhà mạng được cấp phép sử dụng. Điều này sẽ giúp tạo lập môi trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, tránh độc quyền cũng như tạo cơ hội rõ ràng hơn dành cho nhà mạng mới, chưa có tiềm lực tài chính “khủng”.

Đáng chú ý, ở Luật Tần số vô tuyến điện lần này có quy định mới khiến Quốc hội phải bỏ phiếu biểu quyết riêng đó là trường hợp sử dụng băng tần “quý hiếm” được cấp trực tiếp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. 

Trong trường hợp này, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải có trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần, lấy ý kiến các Bộ liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện. Doanh nghiệp triển khai phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với lượng tần số sử dụng để phát triển kinh tế như cũng như chịu sự kiểm tra, thanh tra trực tiếp của các cơ quan có liên quan.

“Cởi trói” cho nhà mạng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn khẳng định, Luật Tần số vô tuyến điện mới không chỉ thúc đẩy quá trình quản lý và sử dụng tần số hiệu quả, phát huy giá trị thương mại cao, sẵn sàng đáp ứng công nghệ mới mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành viễn thông phát triển.

Tác động của Luật mới sẽ thể hiện rõ ràng, nhất là đối với các nhà mạng. Có thể kể đến như việc cấp phép sử dụng băng tần sẽ được quy định cụ thể hơn, có băng tần riêng để thử nghiệm dịch vụ mới từ đó yên tâm đầu tư vào những công nghệ mạng tiên tiến. Bên cạnh đó, việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một nhà mạng cũng sẽ đảm bảo tính cạnh tranh được công bằng hơn, ông Lê Văn Tuấn chia sẻ thêm.

Trên thực tế, trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua, thị trường viễn thông trong nước đang mắc phải “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển. Theo đó, đã 13 năm qua chưa có một tần số nào được cấp mới, từ đó dẫn tới thực trạng quá tải cho 3G và không có không gian để tăng tốc phát triển 4G/5G.

Được biết, từ nhiều năm nay việc mạng 4G phải sử dụng chung băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz với 2G và 3G khiến tốc độ của công nghệ mạng này bị ảnh hưởng lớn cũng như việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới gặp  khó. Hay như việc phát triển 5G, mặc dù đã diễn ra khoảng gần 2 năm nay nhưng đến hiện tại việc có được một tần số riêng, đây chính là hạn chế lớn nhất khiến công nghệ mạng mới không phát triển được đúng với kỳ vọng.

Nhìn chung, việc thiếu băng tần không chỉ ảnh hưởng tới các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone hay MobiFone mà đây chính là “cửa tử” đối với các nhà mạng nhỏ hơn. Đơn cử là câu chuyện của Vietnamobile khi việc thiếu băng tần đã khiến nhà mạng này không thể mở rộng dung lượng mạng lưới, đồng nghĩa với việc không thể có thêm khách hàng. Và ở thời điểm hiện tại, Vietnamobile chỉ chiếm dưới 2% thị phần viễn thông ở Việt Nam.

Đại diện một nhà mạng cho biết, rào cản lớn nhất để thương mại hóa 5G chính là do thiếu tần số. Nếu được cấp băng tần mới không chỉ mạng 5G được triển khai thuận tiện hơn mà chất lượng mạng 4G cũng sẽ được nâng cấp đáng kể so với hiện tại.

Như vậy có thể thấy, Luật Tần số vô tuyến điện mới chính là đột phá quan trọng nhằm tăng tốc sự phát triển cho ngành viễn thông nói riêng cũng như việc sử dụng tài nguyên quốc gia nói chung. Từ đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng 5G, điều kiện cần thiết để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần