Theo hãng tin Aljazeera, quyết định cử Tư lệnh Vệ binh quốc gia Brice Oligui Nguema là nhà lãnh đạo mới của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp được đưa ra sau cuộc họp đặc biệt của nhóm tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính.
Tướng Nguema được cho là thủ lĩnh nhóm đảo chính tại Gabon. Ông được đào tạo tại Học viện Quân sự Hoàng gia Meknes, làm trợ lý quân sự cho Tư lệnh vệ binh Quốc gia cho đến khi Tổng thống Gabon Omar Bongo qua đời năm 2009.
Khi ông Ali Bongo Ondimba đắc cử Tổng thống hồi tháng 10/2009, tướng Nguema được cử đến Maroc và Senegal để thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, nhưng đã quay trở lại Gabon vào năm 2018. Một năm sau, ông đảm nhận vị trí Tư lệnh vệ binh Quốc gia Gabon.
Trước đó cùng ngày, một số sĩ quan quân đội cấp cao Gabon tuyên bố họ đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đồng thời giải tán chính phủ, giải tán Thượng viện, Hạ viện và Tòa án Hiến pháp.
Động thái này diễn ra sau khi cơ quan bầu cử nhà nước thông báo Tổng thống Ali Bongo Ondimba đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Ông đã lãnh đạo Gabon suốt 14 năm qua.
Trước đó, những người lãnh đạo cuộc đảo chính cho biết sẽ thực hiện lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng.
Hiện tại, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba đang bị quân đội quản thúc tại tư dinh ở thủ đô Libreville cùng một số người thân và bác sỹ riêng. Tổng thống Ali Bongo Ondimba ngày 30/8 đã xuất hiện trong một video và kêu gọi phản đối cuộc đảo chính do các sĩ quan quân đội ở Gabon tiến hành.
Phản ứng về cuộc binh biến tại Gabon, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết Liên minh châu Phi cực lực lên án cuộc đảo chính, coi đây là hành động xâm phạm trắng trợn các nguyên tắc và nền tảng của liên minh. Quan chức này đồng thời kêu gọi các lực lượng vũ trang Gabon bảo vệ an toàn tính mạng cho Tổng thống Ali Bongo, các thành viên Chính phủ và tôn trọng tiến trình dân chủ.
Hàng loạt quốc gia châu Phi như Ai Cập, Nigeria, Ma-rốc… cũng ra thông báo bày tỏ sự quan ngại về tình hình tại Gabon, kêu gọi các bên trong cuộc khủng hoảng hành động có trách nhiệm nhằm bảo vệ nền dân chủ và lợi ích quốc gia.
Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivier Veran tuyên bố Pháp đang theo dõi sát sao tình hình tại quốc gia Tây Phi này, lên án cuộc đảo chính và muốn kết quả của cuộc bầu cử phải được tôn trọng.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Mỹ sẽ theo dõi sát tình hình tại Gabon và nỗ lực đảm bảo nền dân chủ tại quốc gia châu Phi này”.
Nga cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình tại Gabon. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Moscow cũng đang theo dõi diễn biến tại Gabon và hy vọng tình hình sớm ổn định.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tại Gabon đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ondimba. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên tại Gabon ưu tiên lợi ích cơ bản của đất nước và nhân dân, giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và nhanh chóng khôi phục trật tự bình thường trong thời gian sớm nhất có thể. Ông cũng kêu gọi các bên duy trì hòa bình và ổn định tại nước này.
Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, cho biết lãnh đạo LHQ “ kiên quyết phản đối cuộc đảo chính tại Gabon nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hậu bầu cử”.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn gia tăng tại khu vực châu Phi khi xảy ra đảo chính quân sự tại Gabon. Phát biểu trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU tại Toledo (Tây Ban Nha), ông Borrell thông báo các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ thảo luận về tình hình tại Gabon.
Theo kế hoạch, trong ngày 31/8, Ủy ban Hòa bình và An ninh của AU tiến hành cuộc họp đặc biệt để thảo luận về tình hình Gabon. Trước đó, đại diện nhóm Bộ 3 châu Phi là Burundi (chủ tịch AU tháng 8/2023), Cameroon và Senegal cũng đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp về cuộc đảo chính.
Gabon là một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi nếu tính về GDP bình quân đầu người, nhờ vào dầu mỏ, mangan và đặc biệt là gỗ. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng quốc gia này đang gặp khó khăn trong việc biến sự giàu có về tài nguyên của mình thành tăng trưởng bền vững và toàn diện. Một phần ba (32,9%) dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ.