Lưu ý khi cạo gió chữa bệnh

Lê Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cạo gió là phương pháp dân gian quen thuộc, dễ sử dụng, thường dùng để chữa các bệnh cảm cúm, đau mỏi tay chân. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Thị Hải Anh – Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, phương pháp này cũng có những hạn chế cần lưu ý, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

 Ảnh minh họa.
Bác sĩ Hải Anh cho biết, cạo gió giúp đả thông kinh mạch, chữa bệnh cảm lạnh, nhức mỏi do trúng gió, đau cơ do nằm sai tư thế, vận động mạnh. Ngoài ra, cạo gió còn được chỉ định trong các trường hợp nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt. Cách thức thực hiện cạo gió rất đơn giản, người dân chỉ sử dụng các vật có hình tròn hoặc có cạnh tròn làm bằng kim loại như nhẫn, khuyên tai bằng bạc, thìa nhôm, tiền xu… làm dụng cụ cạo gió. Sau đó đặt người bệnh nằm ngay ngắn, toàn thân thư giãn, thoa đều dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải, miết đều theo hướng các dây thần kinh hoặc theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Thông thường, vị trí cạo nằm ở dọc hai bên cổ gáy, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra mạng sườn, kín lưng. Nếu người bệnh bị đau ở tay, chân thì cạo thêm phần đó. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 - 5 phút cho đến khi nổi vết đỏ, người bệnh cảm thấy dễ chịu. Tránh cạo quá 10 phút, dùng lực quá mạnh tạo vết đỏ tím, gây tổn thương đến cơ thể người bệnh. Sau cạo gió người bệnh nên ăn, uống đồ nóng, giữ người bệnh ở trong nhà, kiêng tắm để tránh bị cảm lại.

Tuy cạo gió là phương pháp trị liệu đơn giản, lành tính nhưng cũng có chống chỉ định, có một số bệnh không thể áp dụng phương pháp cạo gió. Theo bác sĩ Hải Anh, người mắc các bệnh nội thương như xuất huyết dạ dày, sưng gân không nên áp dụng phương pháp cạo gió vì không có tác dụng chữa bệnh. Đối với bệnh cảm nóng, sốc nhiệt, say nắng, việc cạo gió rất nguy hiểm vì phương pháp này sẽ làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể, khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn, khiến huyết áp tăng cao dẫn đến các tai biến như nguy cơ bị liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não... Bên cạnh đó, phương pháp này không áp dụng cho người bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, phụ nữ có thai, người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió, những người bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược do cơ thể bị ép cơ sản sinh ra máu nhiều hơn, có thể làm vỡ mạch hoặc mất máu nhiều. Đặc biệt, trẻ em không nên cạo gió bởi da của trẻ mỏng nên dễ xung huyết, khí huyết yếu, không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió.

Bác sĩ Hải Anh khuyến cáo, khi người dân muốn sử dụng phương pháp cạo gió, cần nắm rõ tình trạng bệnh và các bệnh lý kết hợp nếu có. Song, cách tốt nhất để điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân nên đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín và tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần