Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và Sở Công Thương Hà Nội.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị làm rõ nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc khiến một số dự án điện chậm tiến độ.
59 dự án, cụm dự án chậm tiến độ
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến năm 2021 toàn TP lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).
Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực chưa cao, đặc biệt là các công trình xây dựng mới lưới điện 110kV (mới chỉ đạt dưới 30%). Hiện có 59 dự án, cụm dự án thuộc danh mục chậm tiến độ, trong đó có Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và Dự án nhà máy điện rác Xuân Sơn.
Về những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khiến các dự án trong giai đoạn 2016-2021 chậm tiến độ, đại diện Sở Công Thương cho biết trong năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người, tạm dừng thi công tuân thủ giãn cách xã hội; việc nhập cảnh của chuyên gia và nhập khẩu trang thiết bị điện phục vụ lắp đặt bị ngưng trệ.
Vì vậy, trong thời điểm quý III/2021 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thành một số công trình cấp điện mới. Trong cả năm đóng điện 1 đường dây 500kV, cải tạo 1 trạm biến áp 220kV; 6 trạm biến áp và 8 đường dây 110kV; Trong năm 2022, tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng mới các công trình 110kV, 220kV, 500kV trong năm 2022 đã cải thiện hơn so với các năm trước chưa nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng Kế hoạch (tỷ lệ khởi công đạt 46,67% và tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%).
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện rác có Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn bị chậm tiến độ hoàn thành, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì do dự án được điều chỉnh thông số tua bin máy phát dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung công suất dự án từ 75MW lên 90MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bộ Công thương đã thẩm định, cập nhật dự án vào Dự thảo quy hoạch điện VIII và trình Thủ tướng và chờ phê duyệt nên chưa thể nghiệm thu, vận hành tổ máy thứ 3. Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP thực hiện xem xét điều chỉnh tiến độ.
Với Dự án nhà máy điện rác Xuân Sơn do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Hitachi Zosen Corporation làm Chủ đầu tư bị chậm tiến độ triển khai thực hiện do nhà đầu tư Hitachi Zosen Corporation đã rút khỏi dự án. Đến nay TP đã có Quyết định chấm dứt đầu tư dự án.
Đại diện Sở Công Thương cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trễ tiến độ hoàn thành các công trình điện, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tin cậy cung cấp điện vẫn do khó khăn chủ yếu trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Làm rõ hơn một số vướng mắc trong triển khai dự án điện, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Danh Duyên cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, một số dự án của EVNHANOI gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ đầu tư do một số nguyên nhân chủ yếu như: Luật Quy hoạch đã có hiệu lực, tuy nhiên văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ dẫn đến việc áp dụng có những cách hiểu khác nhau, do vậy việc triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời; Chưa có sự đồng bộ trong thực hiện quy hoạch điện và quy hoạch xây dựng. Công trình điện cần làm trước một bước nhưng công trình đường giao thông chưa có kế hoạch xây dựng nên không thoả thuận được vị trí, đất đai.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, sau khi Luật Đầu tư số 61/2021/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, các Chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trong trường hợp đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất. Theo quy định mới này, hầu hết các công trình điện 500kV, 220kV và 110kV bao gồm cả xây dựng mới và cải tạo mở rộng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật làm phát sinh thêm thủ tục thực hiện kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó, công tác thỏa thuận vị trí trạm và hướng tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn, phải thỏa thuận với nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian, không nhận được sự đồng thuận của một số tổ chức, cá nhân dẫn đến phải thay đổi vị trí, phải thỏa thuận nhiều lần và điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài nhiều năm.
Các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, đặc biệt là đối với vị trí móng cột điện thuộc các dự án theo tuyến, trải dài qua nhiều địa bản, nhiều chủ sử dụng đất, khi thực hiện giải phóng mặt bằng diện tích đất xây dựng các vị trí móng cột tạo ra các diện tích chéo méo khó canh tác, các chủ sử dụng đề nghị Nhà nước thu hồi hết phần diện tích chéo méo này, dẫn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng bị vướng mắc, kéo dài...
EVN Hà Nội kiến nghị, đối với các công trình lưới điện trung áp không nằm trong quy hoạch hoặc cần điều chỉnh quy hoạch (các công trình trạm biến áp trung áp không phân biệt dung lượng trạm biến áp và đường dây trung áp) thì cho phép EVN Hà Nội tổ chức thực hiện đấu nối vào lưới điện và báo cáo cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền theo quy định; Đối với các công trình lưới điện đã có trong quy hoạch, kiến nghị bố trí quỹ đất cho công trình điện vào quy hoạch phân khu đặc biệt đối với các quận nội thành có quỹ đất hạn chế.