Lý do khiến Mỹ không muốn áp thêm trừng phạt chống Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể làm suy yếu sự thống nhất giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 6/1 cho biết dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz đề xuất  nhằm áp đặt lệnh trừng phạt mới chống tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 nhiều khả năng sẽ làm suy yếu mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của Washington tại châu Âu.

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc áp đặt biện pháp trừng phạt mới với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2  có thể làm suy yếu sự thống nhất giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Ảnh: RT
Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc áp đặt biện pháp trừng phạt mới với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2  có thể làm suy yếu sự thống nhất giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Ảnh: RT

Chính quyền Tổng thống Joe Biden không ủng hộ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 khi cho rằng tuyến đường ống này sẽ buộc châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga và làm mất nguồn thu khổng lồ từ việc trung chuyển của Ukraine. Tuy nhiên, vào năm ngoái Washington đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị vận hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 khi Tổng thống Biden đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Đức và các đồng minh châu Âu khác.

 

Nhiều năm qua, các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ luôn chỉ trích dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga với lý do rằng Moscow sẽ sử dụng làm “con tin” để gây áp lực với châu Âu.

Tuy nhiên, các thành viên Đảng Dân chủ được cho là đang lên kế hoạch bỏ phiếu vào tuần tới chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. Đảng Dân chủ "quay đầu" vì cho rằng việc áp đặt các hạn chế đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể làm suy yếu sự thống nhất giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và làm mất đi đòn bẩy chính của Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga.

Dự kiến, vào ngày 14/1 tới, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz sẽ trình dự luật lên Thượng viện để buộc Tổng thống Mỹ phải áp các lệnh trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm hạn chế đi lại, phong toả tài sản, cấm hợp tác với các công ty Mỹ. Để dự luật được thông qua, cần có ít nhất 10 nghị sĩ đảng Dân chủ để hợp thành 60 phiếu – vượt ngưỡng tối thiểu.

Trước đó, hồi tháng 12/2021, Thượng nghị sĩ Cruz đã đạt được một thỏa thuận với thành viên  đảng Dân chủ để tiến hành bỏ phiếu về dự luật áp biện pháp trừng phạt mới với dự án đốt hợp tác Nga-Đức.

Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến và một cuộc điện đàm riêng vào tháng 12, trong khi các cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ về đảm bảo an ninh đã được lên kế hoạch vào ngày 9-10/1 tại Geneva, Thụy Sĩ.

“Tại thời điểm này, điều rất quan trọng, khi chúng tôi đang xem xét khả năng hành động của Nga ở Ukraine, chúng tôi phải làm việc rất chặt chẽ với các đồng minh của mình và Đức là một trong những đồng minh rất quan trọng. Vì vậy tôi nghĩ việc sửa đổi là không đúng lúc”,Jeanne Shaheen, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cho biết.

Đức đã ủng hộ dự án trong nhiều năm bất chấp sự phản đối của Mỹ, quốc gia muốn tăng thị phần khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại thị trường châu Âu. Chính quyền Berlin nhiều lần khẳng định dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đã hoàn thành từ tháng 9/2021 và đang chờ giấy chứng nhận, là cần thiết đối với an ninh năng lượng của nước này.

Trước đó, hôm 4/1, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Uniper của Đức, ông Klaus-Dieter Maubach, cho hay, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể được thông qua vào giữa năm 2022. “Tôi không thấy bất kỳ sự cản trở chính trị nào, Cơ quan Mạng lưới Khí đốt Liên bang Đức đang xem xét kế hoạch cấp chứng nhận cho Dòng chảy Phương Bắc 2. Việc thông qua có thể diễn ra vào giữa năm 2022. Tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng châu Âu”, ông Maubach tuyến bố.