Lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khiến một số quốc gia châu Âu trong đó có Thụy Điển sửng sốt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã làm phức tạp nỗ lực lịch sử của Thụy Điển và Phần Lan nhằm gia nhập NATO, khẳng định ông không thể cho phép họ trở thành thành viên của liên minh khi không hành động chống lại các chiến binh người Kurd lưu vong.

Tuyên bố của Tổng thống Erdogan nối tiếp khẳng định ông đưa ra vào tuần trước, rằng con đường tiến tới NATO của hai nước Bắc Âu sẽ không suôn sẻ. Theo quy định, cần sự nhất trí của cả 30 quốc gia thành viên hiện tại của NATO - bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ để khối mở cửa cho thành viên mới. 

Phần Lan và Thụy Điển đã bắn tín hiệu sẽ đăng kí gia nhập NATO. Ảnh: AP
Phần Lan và Thụy Điển đã bắn tín hiệu sẽ đăng kí gia nhập NATO. Ảnh: AP

Thông tin ông Erdogan đưa ra với báo giới chỉ vài giờ sau khi Thụy Điển cùng Phần Lan tuyên bố sẽ đăng ký gia nhập NATO, do lo ngại trước tình hình chiến sự tại Ukraine. 

Lý do ông Erdogan đề cập là cáo buộc hai nước từ chối dẫn độ "những kẻ khủng bố" mà đất nước ông truy nã, đề cập rõ ràng đến các nhóm chiến binh người Kurd hay PKK.

Theo AP, Thụy Điển đã chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn từ Trung Đông trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả người Kurd từ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều quan chức phương Tây ngạc nhiên, trong khi một số cho rằng Ankara sẽ không để vấn đề này ảnh hưởng tới sự mở rộng của NATO. Các quan chức Thụy Điển cho biết sẽ cử một nhóm các nhà ngoại giao tới Ankara để thảo luận về vấn đề này, nhưng ông Erdogan cho rằng họ đang lãng phí thời gian. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tuần qua cho biết “Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ rằng ý định của họ không phải là chặn tư cách thành viên”.

Tại Washington, Đại sứ Thụy Điển Karin Olofsdotter bày tỏ sửng sốt trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cảnh báo rằng quốc gia Bắc Âu ở vào một "vị trí dễ bị tổn thương", đề cập tới chiến sự tại Ukraine. 

Mặt khác, Moscow đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga và Thụy Điển về những hậu quả nếu họ theo đuổi tư cách thành viên NATO.  Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/5 dường như đã hạ thấp tầm quan trọng của động thái này.

Phát biểu trước một liên minh quân sự do Nga đứng đầu gồm sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ, ông Putin nói rằng Moscow “không có vấn đề” với việc Thụy Điển hoặc Phần Lan xin gia nhập NATO, nhưng “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ này tất nhiên sẽ nảy sinh các phản ứng cần đáp lại.”

Từng là một cường quốc quân sự trong khu vực, Thụy Điển đã tránh các liên minh quân sự kể từ khi Chiến tranh Napoléon kết thúc. Giống như Phần Lan, quốc gia này vẫn giữ thái độ trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh, nhưng đã hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Dù không còn tự coi là trung lập sau khi gia nhập Liên minh châu Âu năm 1995, các nước này vẫn không liên kết quân sự cho đến nay.

Tuy nhiên sau khi chiến sự tại Ukraine do Nga khởi xướng nổ ra hồi tháng 2, chính phủ Thụy Điển và Phần Lan đã nhanh chóng bắt đầu thảo luận giữa các đảng chính trị về tư cách thành viên NATO và liên hệ với Mỹ, Anh, Đức và các quốc gia NATO khác để được hỗ trợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần