Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

M2 vượt khó với chiến lược chinh phục thị trường nội địa

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn về đơn hàng, cũng như xuất khẩu bởi sức mua giảm sút là tình trạng chung của dệt may Việt Nam. Các DN vừa phải duy trì các đối tác cũ, vừa hướng vào chinh phục thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Thời trang M2 đã chọn hướng đi đó, thậm chí còn mở thêm trung tâm tại
Hà Nội nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, nhờ đó duy trì sản xuất kinh doanh, giữ chân và bảo đảm đời sống người lao động.

Bệ đỡ trong khó khăn

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam (Thời trang M2) Nguyễn Hải Đường cho biết, sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 8,8 tỷ USD).

Xuất khẩu 5 tháng năm 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...

Khách hàng lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất tại cửa hàng Thời trang M2 Minh Khai. Ảnh: Khắc Kiên
Khách hàng lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất tại cửa hàng Thời trang M2 Minh Khai. Ảnh: Khắc Kiên

“Dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều DN đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, các DN còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50%” - ông Nguyễn Hải Đường nói.

2023 được dự đoán là năm đầu tiên của 5 năm suy thoái kinh tế toàn cầu. Thời trang M2 cũng gặp phải rất nhiều những thách thức lớn đòi hỏi phải có những hướng đi sáng tạo và quyết đoán hơn.

Để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cho chính mình, khôi phục tăng trưởng kinh tế…

“Khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp DN dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh” - CEO Nguyễn Hải Đường khẳng định.

Táo bạo để đón đầu

Để thực hiện mục tiêu, Nhà máy M2F Tiên Lãng của Thời trang M2 vẫn duy trì những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Đức, nhưng buộc đan xen vào các đơn hàng phục vụ cho thị trường nội địa...

“Phải điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế, nhưng nếu không bỏ lợi nhuận, chấp nhận lỗ sẽ mất lao động có tay nghề. Dù khó khăn, song không có một công nhân nào phải nghỉ việc, bảo đảm thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, còn lao động thời vụ cũng khoảng 5 triệu đồng/người/tháng…” - ông Nguyễn Hải Đường tiết lộ.

Cùng với M2F, dự tính thời gian tới mới khởi công xây nhà máy tại Thái Bình để đón đầu cơ hội khi các đơn hàng đúng vào mùa vụ. Hiện đang có 2 khách hàng Nhật Bản và tiến tới là Hàn Quốc bởi thị trường châu Á ít ảnh hưởng hơn so với châu Âu do xung đột chính trị…

Không vì khó khăn mà lùi bước, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cũng như hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong tháng 7/2023, Thời trang M2 ra mắt điểm bán “Thời trang M2 Minh Khai” với mô hình kinh doanh shop in shop.

“Đây là cửa hàng triển khai theo mô hình hoàn toàn mới hứa hẹn trở thành cầu nối đáng tin cậy, mang hàng trăm ngàn sản phẩm chất lượng nhất, giá tốt nhất, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo nhất để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng” - doanh nhân này nói.

Thời trang M2 là một cái tên quen thuộc với nhiều khách hàng, người tiêu dùng và là đơn vị tiên phong cho mô hình siêu thị thời trang theo sứ mệnh trở thành chuỗi cung ứng số 1 uy tín trong việc phân phối các sản phẩm thời trang Việt chất lượng cao sẽ thành công.

“M2 đang bước từng bước vững mạnh, ngày càng mở rộng trên thị trường và trở thành một trong những DN dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang may mặc trong nước cung cấp quần áo, phụ kiện, sản phẩm của chính bản thân và DN Việt Nam” - ông Nguyễn Hải Đường tự hào.

Đến nay, DN có gần 200 nhà cung cấp nội địa với hàng trăm nghìn sản phẩm các loại phân phối tại hơn 20 trung tâm thời trang ở trong và ngoài nước.

Trong tương lai, Thời trang M2 sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn về chất lượng, dịch vụ đem đến sự trải nghiệm tốt nhất, những sản phẩm chất lượng nhất đến khách hàng…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, M2 thường xuyên xem xét lại năng lực của các DN cung cấp, chọn là bạn đồng hành với nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh phù hợp với tài chính của người tiêu dùng để chiếm lĩnh thị trường trong nước.