Mới đây, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, ngày 17/4, ngân hàng đã nhận được 10% tiền đặt cọc, tương đương với 3.590 tỷ đồng từ ngân hàng Nhật Bản SMBC sau khi ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho đối tác này. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài.
Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 7, 8 tới đây và khi đó đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn. Thương vụ này mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (vốn nòng cốt của ngân hàng), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại
Việt Nam, sau Vietcombank.
Không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đây cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư trong nước chốt nhiều thương vụ mới. Những tín hiệu này cho thấy, M&A DN tiếp tục có những tín hiệu tốt sau năm 2022 chững lại.
Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vừa thông qua chủ trương mua lại Công ty CP Phốt pho 6 với mức giá 635 tỷ đồng, dự kiến thương vụ này sẽ được thực hiện trong quý 2/2023.
Công ty CP Tập đoàn KIDO cũng thông báo sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại Công Ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh bao Thọ Phát.
Thương vụ này sẽ bao gồm hai giai đoạn, Tập đoàn KIDO sẽ mua 25% cổ phần của DN sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát trong giai đoạn 1, và mua từ 51% đến 70% cổ phần còn lại để chi phối và sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.
Trong báo cáo về xu hướng M&A toàn cầu mới đây, Công ty Kiểm toán PwC nhận định, những DN có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong bối cảnh thắt chặt tài chính.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ tài trợ vốn cho mục đích M&A tại các ngân hàng thương mại đang được quy định chặt chẽ. Giai đoạn này, những bên mua vào trong các thương vụ M&A lớn đều là những DN có sẵn nguồn tài chính hoặc có tỷ lệ nợ còn khá khiêm tốn.
Từ những phân tích này, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các giám đốc điều hành (CEO) tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới DN và các hoạt động giao dịch. Ngoài ra, nhiều tập đoàn trên toàn cầu sẽ đến Việt Nam vì Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng để bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế, với các khoản đầu tư lớn từ cả khu vực công và tư nhân. Cùng với đó, các công ty Việt Nam đã làm quen nhiều hơn với các mô hình M&A và sẵn sàng xem xét quan hệ đối tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục… sẽ được các nhà đầu tư M&A quan tâm để mở rộng cơ sở sản xuất, thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần bắt đầu tích hợp yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào kế hoạch kinh doanh khi các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên các yếu tố này trong chiến lược phát triển của mình.