“Ma trận” hàng gian, hàng giả tràn lan trên mạng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng hàng gian, hàng giả đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào cả các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok lẫn các sàn thương mại điện tử uy tín.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng bán hàng online để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra, xử lý.

Hàng giả tràn ngập chợ online

Thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Dự báo trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Người tiêu dùng thận trọng khi mua bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Hải Linh
Người tiêu dùng thận trọng khi mua bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Hải Linh

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Trước những thực trạng này, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử.

Gần đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng và hàng hóa nhập lậu do chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan.

Trước đó, đơn vị cũng phát hiện vụ kho hàng lậu, hàng giả 1.000m2 tập kết để bán online ở tỉnh Lào Cai, hay vụ tàng trữ kinh doanh sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại tỉnh Nam Định. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xử lý hàng trăm vụ việc khác của các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội, website thương mại.

Giải pháp nào?

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố.

Với riêng lực lượng quản lý thị trường, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng.

Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Do đó, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này thì không chỉ vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần vào công tác chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng...

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập trên mạng trong thời gian qua thực sự đang báo động. Để từng bước đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả trên mạng cần có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước và từ người tiêu dùng.

Các cơ quan quản lý phải tiến hành thanh tra, kiểm tra các cá nhân, công ty bán hàng trên mạng, nếu phát hiện có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Đối với người tiêu dùng, cần thay đổi việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là hành vi tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính.

Đồng quan điểm, theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các DN cần bảo vệ chính mình, hãy là DN thông minh và có trách nhiệm, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là của các cơ quan thực thi pháp luật.

Cùng đó, DN phải chú ý thực hiện việc bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ các sáng chế của mình. Còn đối với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần