"Mạch nguồn Ví, Giặm" và 2 bài hát trong dịp Tháng Năm nhớ Bác

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong 15 bài hát của đêm nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô  tối 14/5/2023 có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là bài “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ) và “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác An Thuyên).

Đêm tri ân 5 cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5. Ảnh TA.
Đêm tri ân 5 cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5. Ảnh TA.

Đêm tri ân 5 cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5.

Đây là dịp Hà Nội và cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890- 19/5/2023 nên Ban Tổ chức đã lựa chọn 2 bài hát về đề tài Hồ Chủ tịch, đó là “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ) và “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác An Thuyên). Điều khá trùng hợp 2 nhạc sĩ xứ Nghệ đã sáng tác các bài hát nổi tiếng này khi còn rất trẻ, mới chỉ 23-24 tuổi.

Vừa sáng tác, vừa khóc

Nhạc sĩ An Thuyên viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” vào năm 1973, khi ông mới 24 tuổi và là một cán bộ tuyên truyền của Ty Văn hóa Nghệ An. Ông chỉ sáng tác bài hát trong một đêm, trong nước mắt giàn dụa khi nghĩ về Bác vừa đi xa 4 năm trước đó. Sau này khi sáng tác 2 bài “Neo đậu bến quê” và “Mẹ Việt Nam anh hùng”, ông cũng khóc những khác với lần khóc Bác năm đó.Trong cái đêm đầy cảm xúc đó, ông đã viết “Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa/Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca”.

Người nhạc sĩ tài hòa ấy sẽ sống mãi trong lòng công chúng. Ảnh GĐCCC
Người nhạc sĩ tài hòa ấy sẽ sống mãi trong lòng công chúng. Ảnh GĐCCC

Các chuyên gia âm nhạc thời đó từ ngạc nhiên đến sửng sốt vì “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, là một bài hát Giặm, trước đó là một câu Ví, nhạc sĩ An Thuyên lấy nguyên nhịp 7/8 - nhịp lẻ rất lạ. Điều mà ngay cả các nhạc sĩ gốc Nghệ, sống trong chính cái nôi Ví, Giặm cũng ít sử dụng. Ý tưởng của bài hát nổi tiếng này lại ra đời một cách rất tình cờ khi ông về quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn) để sưu tầm dân ca thì nghe một cụ bà trong làng Sen bật mí: “Ngày xưa Bác Hồ cũng hay đi nghe hát phường vải lắm đó”.

Để có được những tác phẩm để đời như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Vầng trăng đò đưa” là một quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của người nghệ sĩ tài ba quê Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con, bố ông Nguyễn Như Tùng là một nhà nho xứ Nghệ, thông thạo tiếng Hán từng làm thư ký cho một hãng thời thuộc Pháp.

Sau cải cách ruộng đất “Đoàn văn công” gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”, “Thạch Sanh”, “Tống Trân-Cúc Hoa”,”… Có năng khiếu nổi trội nên tuy phận em út nhưng nhạc sĩ An Thuyên luôn được cha phân công làm đạo diễn chương trình. Thời đó mà để hợp tác xã trả công cho gánh hát gia đình nhạc sĩ An Thuyên lưu diễn thì phải biết chất lượng nghệ thuật của chương trình phải đạt đến cỡ nào.

Bắt đầu từ gánh hát gia đình, lớn lên cùng củ khoai, củ sắn, cùng những giai điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ cùng với một thái độ nghiêm túc đã tạo nên Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam hàng trăm tác phẩm. Nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ như: Thanh xướng kịch “Người đi tìm nhịp trống”, “Chuyện bên lán Nà Lừa”, “Hành khúc theo chân Bác”… nhưng “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” vẫn là bài hát được công chúng yêu Ví, Giặm đánh giá cao nhất.

Chất liệu dân ca Tày, Nùng

Bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của ra đời năm 1959, đến nay vẫn được xem là một nhạc phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai điệu ngọt ngào, da diết, cao vút, đẫm chất liệu dân ca Tày, Nùng của người nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ sinh năm 1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác bài hát nổi tiếng  “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, khi chưa từng một lần đặt chân đến đất Cao Bằng, chưa biết đến Hang Pác Bó. Ảnh TT
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác bài hát nổi tiếng  “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, khi chưa từng một lần đặt chân đến đất Cao Bằng, chưa biết đến Hang Pác Bó. Ảnh TT

Ông kể, vào năm 1958, ông và NSND Quốc Hương có chuyến công tác lên các tỉnh phía Bắc vào đúng những ngày Tháng Năm lịch sử. Ca sĩ Quốc Hương nằn nì ông sáng tác một bài hát về Bác để hát vào dịp 19/5, Ngày sinh nhật Bác để mình biểu diễn cho bà con.

Điều khá khó khăn là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trước khi sáng tác bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, chưa từng một lần đặt chân đến đất Cao Bằng, chưa biết đến Hang Pác Bó. Những với tình cảm giành cho vị Cha già dân tốc, ông đã sưu tầm nhiều tài liệu trong đó có thơ Tố Hữu, nghe kể những câu chuyện về Bác, về chiến khu Việt Bắc, về đất mảnh đất Cao Bằng. Trên nền kiến thức về những điệu Sli-lượn, điệu hát Then-đàn Tính, của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc mà ông đã từng đi qua nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã sáng tác nên ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” với những hình ảnh “Kể rằng Người còn đây/Người cao hơn núi tưởng chừng/trông theo bóng dáng/Người còn in trên đèo/Ơ bản Pác Bó quê ta...”.

 Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể lại, phải mất 1 năm, tháng 5 năm 1959 bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” mới được chính NSND Quốc Hương thu âm lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam và phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19/5/1959). Ngay lập tức tên tuổi nghệ sĩ Quốc Hương và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ theo cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam bay đi khắp Tổ quốc. Đối với ca sĩ Quốc Hương sau này có nhiều ca khúc được ông thể hiện (đầu tiên), và gắn với tên tuổi ông như: Tình ca (Hoàng Việt), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí - thơ Nguyễn Bính)…nhưng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” vẫn là bài hát “đóng đinh” cho ca sĩ từng đi tu nghiệp tại Hungary.

Đêm nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức tối 14/5/2023 tại Hà Nội. Ảnh BTC.
Đêm nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức tối 14/5/2023 tại Hà Nội. Ảnh BTC.

Điều khá kỳ lạ, ngoài NSND Quốc Hương sau này nhiều ca sĩ với các chất giọng hát nhau như NSUT Bích Liên, NSUT Vi Hoa, NSUT Tuyết Thanh, NSND Thanh Huyền và đặc biệt là giọng hát trong trẻo cao vút như suối ngàn của NSND Lê Dung, tất thảy đều thể hiện thành công ca khúc này. Phải chăng đó chính là cái tài của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, bằng năng lực đặc biệt ông đã sáng tác một ca khúc bất hủ làm cho công chúng thêm kính yêu vị lãnh tụ, thêm ơn nghĩa đối với hang Pác Bó huyền thoại. 

Điều quan trọng là tháng 5 tới đây, công chúng yêu nhạc Hà Nội và cả nước sẽ có cơ hội thưởng thức 2 tác phẩm nổi tiếng này trong đêm nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức