Ảnh hưởng đến cả Bộ, ngành Tư pháp
Thông tin tới báo chí, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện trường hợp mạo danh tên tuổi lãnh đạo Bộ để biên soạn in sách. Cụ thể, tháng 6/2021, Nhà Xuất bản Lao động đã liên kết Nhà sách Dân Hiền xuất bản và phát hành cuốn sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính” (gồm 2 tập), mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh là chủ biên. Sau khi sự việc bị phát giác, Nhà Xuất bản Lao động quyết định đình chỉ phát hành 2 cuốn sách nói trên, yêu cầu Nhà sách liên kết thu hồi toàn bộ số sách đưa ra để chào hàng và quảng cáo thăm dò thị trường.
Hai cuốn sách mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh là chủ biên |
Mặc dù đã có quyết định đình chỉ phát hành nhưng thời gian gần đây, một số đối tượng liên tục liên hệ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp chào mời mua cuốn sách này bất hợp pháp. Thậm chí, nhiều đối tượng giả danh cán bộ của Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật để chào mời mặc dù Cục này không tham gia xây dựng cũng như phát hành cuốn sách.
Theo Bộ Tư pháp, việc mạo danh này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh mà còn ảnh hưởng đến Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, với một cuốn sách được coi là cẩm nang trong áp dụng pháp luật (lại là Luật mới được sửa đổi, phạm vi áp dụng bao phủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với hơn 250.000 hành vi vi phạm hành chính; 215 chức danh; 16 loại cơ quan thực hiện xử phạt vi phạm hành chính).
Nếu có những sai sót trong nội dung dẫn đến áp dụng sai, thiếu thống nhất sẽ gây những hậu quả khó lường. Do đó, Bộ Tư pháp cũng thông báo để các cá nhân, tổ chức biết, không mua 2 cuốn sách mạo danh nói trên để nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn công việc.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ vụ việc nói trên. Vụ việc này cũng đặt ra vấn đề cho các cơ quan quản lý xuất bản cần phải có giải pháp mạnh để chấn chỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thời gian qua, tình trạng mạo danh để in sách không phải là hiện tượng mới bởi mỗi năm, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến việc mạo danh. Đặc biệt, trong lĩnh vực liên kết xuất bản là lĩnh vực được cho là rất nhạy cảm, phức tạp. Nhiều Nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung, chất lượng sách liên kết, còn đơn vị liên kết xuất bản cũng không thực hiện đúng các quy định về xuất bản dẫn đến sai phạm, sách in ra không bảo đảm chất lượng.
Trước đó, ngày 19/7, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Thanh tra Sở TTTT, Phòng PA03 - Công an TP Hà Nội phát hiện đường dây nghi sản xuất và kinh doanh sách lậu có quy mô lớn trên địa bàn. Chủ của số lượng sách có dấu hiệu in lậu là Công ty Cổ phần In truyền thông Kết Thành do ông Lê Duy Minh là Giám đốc, có trụ sở tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Đại diện Công ty Cổ phẩn In truyền thông Kết Thành cho biết số sách trên được Công ty Cao Thuận Phát, do ông Cao Toàn Tính là Giám đốc, thuê Công ty Cổ phần In truyền thông Kết Thành in, đóng bìa, gia công số sách trên. Xác định Công ty Cao Thuận Phát là đơn vị chính đặt thuê in, tổ công tác đã nhanh chóng kiểm tra tại xưởng in của công ty này tại địa chỉ 56 đường bờ sông, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; đã phát hiện tại kho hàng của công ty có nhiều loại máy in và phương tiện đóng sách lậu cùng khoảng 3 tấn sách bán thành phẩm không có giấy tờ liên quan đến việc gia công, in ấn.
Gây ra nhiều hệ lụy
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, về hành vi làm và bán sách giả: Việc lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức có uy tín để thực hiện hành vi gian dối nhằm trục lợi là điều không mới từ trước đến nay. Tuy nhiên hành vi mạo danh người giữ chức vụ Thứ trưởng để viết và lưu hành sách giả mà lại là sách mang nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật và có đối tượng hướng đến bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước là một sự việc hiếm có. Cũng vì vậy, tính chất nghiêm trọng của hành vi này không nhỏ và mang nhiều hệ lụy.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng |
Cuốn sách này có tên “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020)”. Tức là nội dung trong sách phải mang tính chuyên môn rất cao và hướng đến đối tượng sử dụng là những người nghiên cứu giảng dạy pháp luật; những người thường xuyên trực tiếp áp dụng pháp luật như luật gia, luật sư, cán bộ công chức và các sinh viên luật. Đối với những người nghiên cứu chuyên sâu, kiến thức vững vàng thì có thể phát hiện chất lượng sách không đảm bảo ngay khi mới sử dụng.
Tuy nhiên, với những người mới học luật hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ về pháp luật thì rất dễ khiến họ có những nhận thức sai lệch do sử dụng cuốn sách giả này. Từ nhận thức pháp luật sai lệch dẫn đến sau này hoạt động áp dụng pháp luật cũng sai lệch theo và thậm chí là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật. Như vậy sẽ rất nguy hiểm. Mặc khác, các đối tượng đã biết lợi dụng danh nghĩa Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh để trục lợi. Với một người có uy tín như vậy đứng tên tác giả thì càng thu hút người đọc hơn.
Lĩnh vực pháp luật đòi hỏi cung cấp thông tin phải tuyệt đối chính xác. Nếu tinh thần của pháp luật không được phổ biến đầy đủ, chính xác, kịp thời đến xã hội sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước. Trong trường hợp này, Nhà xuất bản còn để một số lượng sách giả đã được bán rộng rãi trên thị trường thì rủi ro như trên đã hiện hữu.
Đối với những người làm ra quyển sách này thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt vi phạm hành chính, người làm ra sách giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức theo Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người có hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, sách giả tương đương số lượng với sách thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên. Cụ thể là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự. Mức cao nhất trong khung hình phạt của tội này là phạt tù 15 năm.
Về hành vi mạo danh tổ chức cá nhân: Trong trường hợp trên, việc mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp không có ý nghĩa trong việc định tội danh hay định khung hình phạt. Và chỉ với hành vi mạo danh một tổ chức cá nhân khác cũng không cấu thành vi phạm pháp luật về hành chính hay hình sự. Tuy nhiên việc mạo danh cơ quan, tổ chức, cá nhân trên thực tế thường gắn với các hành vi khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất buôn bán hàng giả (mạo danh cơ quan, tổ chức), làm giả giấy tờ tài liệu con dấu… Đối với các hành vi này, việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức cá nhân là các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
“Trường hợp trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp bị các đối tượng lợi dụng danh nghĩa cá nhân nhằm mục đích làm và bán sách giả. Do đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh có thể đã bị các đối tượng làm sách giả xâm phạm nhất định về uy tín, danh dự, nhân phẩm. Khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu các đối tượng làm sách giả phải bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm về danh dự nhân phẩm cho mình” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.