Theo dõi số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số hàng năm, trên 50% số tỉnh, TP TSGTKS của năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là vùng có TSGTKS cao. Tỷ số này tăng liên tục trong 5 năm từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009); tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014). Theo Tổng cục DS - KHHGĐ, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất năm 2017 được thống kê gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi. Nhiều chuyên gia lĩnh vực dân số cảnh báo, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Dự báo gần nhất của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Áp lực phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường đang đè nặng lên tâm lý của nhiều gia đình. Theo một nghiên cứu của ĐH Y Hà Nội, đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm, nhưng tình trạng trầm cảm càng trầm trọng (gấp 2 lần) ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó. Số phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2009, Tổng cục DS - KHHGĐ đã triển khai Đề án Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS, hiện nay ngành Dân số đang triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016 - 2025 với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác truyền thông chuyển đổi hành vi. Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định: Mất cân bằng GTKS tại Việt Nam đang tăng nhanh đã ở mức nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu TSGTKS thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn thì cũng rất cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.