Mất tiền tỷ “sập bẫy” lừa đảo qua điện thoại

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù cơ quan công an khuyến cáo phải nâng cao cảnh giác các chiêu lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tiếp tục “sập bẫy” khi bị các đối tượng mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát gọi điện lừa đảo.

 

Ngày 13/10, Công an quận Thanh Xuân cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 860 triệu đồng với thủ đoạn gọi điện giả mạo cơ quan công an.

Trước đó, vào ngày 5/10, Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân nhận được đơn trình báo của bà T (sinh năm 1958, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 860 triệu đồng. Theo đơn trình báo, bà T nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là công an, kiểm sát viên, thông báo bà T có liên quan tới một vụ án. Các đối tượng yêu cầu bà T phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, bà T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Vụ việc tương tự, Công an quận Ba Đình đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng qua cuộc điện thoại mạo danh cơ quan cảnh sát điều tra.

Trước đó, vào ngày 26/8, ông T (sinh năm 1956; trú tại quận Ba Đình) đến Công an phường Liễu Giai (quận Ba Đình) trình báo việc nhận được điện thoại từ một đối tượng nói tài khoản của ông có liên quan đến vụ án ma túy. Đối tượng đã yêu cầu ông T chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra. Sau khi ông T ra ngân hàng chuyển tiền rồi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 1,6 tỷ đồng. Lúc này ông T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo khuyến cáo, mặc dù đây không phải là thủ đoạn mới và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy của các đối tượng. Đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, lo bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát là hình thức lừa đảo nổi lên trong thời gian qua. Các đối tượng thường đe dọa người bị hại phạm các tội nguy hiểm như buôn bán ma túy, rửa tiền, hoặc mở thẻ tín dụng nợ tiền ngân hàng rồi yêu cầu các bị hại phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để kiểm tra. Bằng thủ đoạn này, nhiều người dân bị “sập bẫy” và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Theo quy định của pháp luật, cơ quan công an, tòa án không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Khi cần, các cơ quan chức năng trên sẽ mời người có liên quan lên làm việc thông qua giấy mời/giấy triệu tập được gửi qua đường chính thống. Vì vậy, khi có điện thoại gọi đến xưng danh công an, tòa án, người dân có quyền từ chối, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần