Mâu thuẫn tại các trạm thu phí BOT: Hậu quả của việc áp đặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tại nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT liên tiếp xảy ra những vụ người dân “quây” các trạm thu phí để phản đối về mức phí, vị trí đặt trạm.

Các đơn vị có liên quan đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm xoa dịu những mâu thuẫn này. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đã và đang triển khai mới chỉ là tạm thời chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng trên.

Đẩy dân vào chân tường

Trong bối cảnh vốn ngân sách eo hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng theo hình thức BOT được cho là biện pháp tốt nhất nhằm cải thiện năng lực vận tải. Tuy nhiên, việc đầu tư một cách dàn trải, thiếu tính toán, mang tính áp đặt… đã khiến người dân, đặc biệt là người dân xung quanh các trạm thu phí vô cùng bức xúc. Đầu tiên phải khẳng định, việc người  dân “quây” các trạm thu phí là không đúng, bởi hành động này sẽ gây ra tình trạng ùn tắc, mất ATGT. Thế nhưng, suy cho cùng, đây chỉ là hành động bột phát khi những bức xúc bị dồn nén lâu ngày không được giải quyết.
 Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6. Ảnh: Công Trình
  Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6.             Ảnh: Công Trình
Còn nhớ, ngày 20/10/2015, khi trạm thu phí BOT QL6 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vừa đi vào hoạt động, hàng trăm người dân thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã kéo đến “quây” trạm thu phí để phản đối về mức phí và vị trí đặt trạm. Theo người dân nơi đây, việc đặt trạm thu phí giữa trung tâm thị trấn, và cắm biển cấm các xe ô tô di chuyển trên những tuyến đường xương cá là điều bất hợp lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Điều đáng nói, những mâu thuẫn này đã kéo dài từ thời điểm đó đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại Dự án cầu Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngay sau khi Công ty CP BOT cầu Việt Trì tổ chức thông xe và tiến hành thu phí cầu Hạc Trì, cây cầu Việt Trì cũ bỗng nhiên được gắn mác cầu yếu cấm ô tô lưu thông. Đặc biệt, để tận thu nguồn tiền trong dân, chủ đầu tư dự án còn thản nhiên dựng trụ bê tông, “đề xuất” các cơ quan có chức năng, lực lượng CSGT cắm biển cấm ô tô, lập chốt ngăn các xe ô tô qua cầu Việt Trì cũ...

Phải minh bạch các dự án BOT

Liên quan đến những mâu thuẫn tại dự án BOT QL6, Công ty TNHH BOT QL 6 Hòa Lạc - Hòa Bình vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, duy trì lực lượng để giải quyết các sự cố, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm không chịu mua vé, đâm barie vượt trạm. Cùng với đó, Công ty đề nghị các đơn vị trên có biện pháp ngăn chặn những phương tiện giao thông vượt quá tải trọng tránh trạm thu phí đi vào các đường liên huyện, liên xã gây hư hỏng cơ sở hạ tầng và thất thu phí. Đặc biệt, Công ty còn tiếp tục đề nghị các đơn vị có liên quan xem xét việc điều chỉnh giá vé đối với các phương tiện qua trạm từ ngày 1/9/2016, khiến những mâu thuẫn trên có nguy cơ bị đẩy lên một tầm cao mới.

Trở lại với những mâu thuẫn tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì, vừa qua, Bộ GTVT đã có  quyết định cải tạo lại cầu Việt Trì cũ và cho phép xe ô tô dưới 7 chỗ được phép di chuyển qua cầu. Có thể nói, đây là một tin vui, là "thắng lợi" của người dân sống quanh cầu Việt Trì cũ trong việc xóa bỏ những điểm bất hợp lý trong hoạt động của trạm thu phí cầu Hạc Trì. Tuy nhiên, suy cho cùng, “thắng lợi” của người dân nơi đây sẽ mở màn cho những cuộc “quây” trạm BOT khác trên cả nước. Bởi, trước những bất cập tại các trạm thu phí, người dân trong khu vực đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan có chức năng nhưng không được giải quyết. Và biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ nhưng hiệu quả nhất chính là... “quây” trạm.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các dự án BOT hiện đang tồn tại 2 vấn đề là có hay không chuyện thất thoát và minh bạch trong xây dựng, thu phí hoàn vốn BOT. Như cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư thông tin thì quá trình đầu tư làm rất đúng, chuẩn theo quy trình - một quy trình rất phức tạp, nhiều cơ quan giám sát. Thế nhưng vẫn có dự án bị đội vốn, vậy vấn đề giám sát, công khai minh bạch đã chuẩn mực chưa? Hệ thống công khai giám sát hiện mới chỉ dừng ở 2 mối quan hệ là cơ quan quản lý Nhà nước - chủ đầu tư. Còn liên quan đến chủ thể thứ ba - người sử dụng dự án BOT, lại chưa được tiếp cận thông tin minh bạch, công khai.