Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Máy bay NATO tiến sát không phận Nga và phản ứng của Moscow

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/5 đã điều một máy bay chiến đấu sau khi phát hiện máy bay tuần tra của Pháp và Đức bay về phía không phận Nga.

Pháp và Đức cho biết các máy bay của họ - bao gồm 1 máy bay tuần tra biển Atlantic 2 của Pháp và một chiếc P-3C Orion của Đức - đã thực hiện các chuyến tuần tra diễn tập thường xuyên của NATO và "hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế".

Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hải quân Đức nói: "P-3C Orion của chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ giám sát trên Biển Baltic và bay, theo tiêu chuẩn, hướng tới Kaliningrad". Kaliningrad là một vùng lãnh thổ tách biệt của Nga nằm giữa Ba Lan và Litva trên biển Baltic.

Bộ lực lượng vũ trang Pháp cũng xác nhận vụ việc trong một tuyên bố: "Là một phần của cuộc tập trận NATO, một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận một máy bay tuần tra biển Atlantic 2 ngoài khơi các nước Baltic ngày hôm nay. Cách tiếp cận được thực hiện trong không phận quốc tế trên Biển Baltic một cách chuyên nghiệp và có kiểm soát".

Phía Moscow thì nói rằng tiêm kích Su-27 của họ đã quay trở lại căn cứ sau khi những chiếc máy bay của 2 thành viên NATO quay lưng lại với Nga. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đã điều động tiêm kích này để "ngăn chặn việc xâm phạm biên giới quốc gia Nga".

Trong một diễn biến khác cùng ngày, giới chức Nga đã lên án bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nhật báo l'Opinion ở Paris, trong đó ông chỉ trích mối quan hệ phụ thuộc của Điện Kremlin vào Trung Quốc do cuộc chiến ở Ukraine.

"Trên thực tế, (Nga) đã bắt đầu một hình thức 'chư hầu hóa' trước Trung Quốc, và đã mất quyền tiếp cận vùng Baltic vốn rất quan trọng đối với nước này vì quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan" - lời ông Macron được trích dẫn trong bài phỏng vấn.

Phát biểu của ông Macron dường như tập trung vào các cuộc đàm phán ở Moscow hồi tháng 3 vừa qua giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, hai nhà lãnh đạo nói rằng họ đang làm "sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược" bằng cách bước vào kỷ nguyên mới của quan hệ 2 nước.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 15/5 khẳng định, quan hệ của Nga - Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược, và không liên quan gì đến sự phụ thuộc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko thì cho rằng Paris đang e ngại trước mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Moscow và Bắc Kinh - một sự thay đổi có ý nghĩa với trật tự thế giới.

"Phương Tây nhìn chung có vẻ lo sợ về việc hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa phương thực sự, một hệ thống bao gồm một số trung tâm độc lập riêng biệt, đặc biệt là Nga và Trung Quốc" - ông Grushko viết trong bình luận được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm: "Trong bối cảnh thế giới đang phát triển này, không thể tránh khỏi việc E. Macron, cùng với các nhà lãnh đạo khác ở phương Tây, sẽ cần phải chấp nhận thực tế về mối quan hệ mạnh mẽ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa Moscow và Bắc Kinh".