Mẹ đưa con đi định cư ở nước ngoài, có cần bố đồng ý?

H.T
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi ly hôn, tôi được Tòa án giao trực tiếp nuôi con. Trách nhiệm cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận. Nay tôi đã kết hôn với một người Mỹ và sẽ đi định cư bên đó. Tôi muốn cho con đi cùng để vừa chăm sóc, vừa để cháu được học hành trong điều kiện tốt nhất.

Bố của cháu từ trước đến giờ không hề đưa tiền để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, khi tôi thông báo về việc cho con đi nước ngoài, anh ấy không đồng ý, đồng thời còn dọa sẽ khởi kiện tôi ra Tòa yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Xin hỏi, nếu anh ta làm như vậy, Tòa án có giải quyết không? Tôi muốn đưa con đi định cư ở nước ngoài mà không cần bố cháu đồng ý, có được không?

Nguyễn Thị Anquận Hà Đông, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, theo khoản 3 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. 

Tòa án sẽ tiếp nhận đề nghị công nhận thỏa thuận hay giải quyết tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Kết quả giải quyết trường hợp hai bên có tranh chấp căn cứ vào nội dung vụ việc cụ thể, các bằng chứng chứng minh, thậm chí ý kiến của con nếu cháu từ đủ 7 tuổi trở lên.

 

Thông tin của bạn cho thấy, về nguyên tắc, nếu cháu ở tuổi vị thành niên, khi ra nước ngoài định cư, bạn hoàn toàn có quyền đưa con đi cùng. Bởi lẽ, bạn là người được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn, đồng thời, việc đưa con đi là vì chính quyền và lợi ích tốt nhất cho cháu.

Theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Tuy nhiên, Điều 82 của Luật này quy định cụ thể nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trong trường hợp bạn nêu là bố của cháu như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Dân sự năm 2015, “nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống”.

Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Do vậy, bạn là người trực tiếp nuôi con, việc bạn đi định cư ở nước ngoài và cho con đi cùng là đúng với quy định nêu trên. Bố của cháu có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con, chính là bạn.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ được giải quyết khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đó là:

“a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Rõ ràng, khi hai người không có thỏa thuận, bố của cháu chỉ có thể đề nghị và được Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con từ bạn sang cho anh ấy, khi bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, việc bạn đưa con đi cùng đảm bảo điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Chỉ có điều, về mặt tình cảm, nên thuyết phục bố của cháu, có thể nói chuyện để con cùng thuyết phục bố cháu đồng ý, vì chính những điều tốt đẹp nhất cho con.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần