Mẹ già như chuối chín cây

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị nhận được điện thoại của người chị thông báo rằng ở quê chuẩn bị làm mới nhà thờ họ và bổ cứ một suất đinh là chừng ấy tiền. Điều làm chị suy nghĩ, thế là mẹ già của mình lại có việc để lo.

Thực ra, việc của họ là chuyện của mấy ông con trai hay con dâu, không đến lượt chị là “nữ nhân ngoại tộc” phải lo. Nhưng quê nội của chị có việc gì là vẫn cứ gọi cho chị, vì mẹ của chị đã già, nghễnh ngãng dễ quên, mấy ông con trai không để lại số điện thoại trong khi đều ở xa, người tít trong cực Nam, người ở Bắc, người nước ngoài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuyện đóng tiền làm nhà thờ theo suất đinh khiến mẹ chị lại thở dài. Nhà có ba suất đinh, như vậy là… Trong ba suất thì có một suất trả lời sốt sắng sẽ đóng ngay. Một suất nữa thì bà biết sẽ không quan tâm. Một suất nữa cho biết: “Sẽ lo cho người sống. Nhà thờ họ to rồi không cần làm to nữa”. Bà buồn vì dù sao chuyện trong họ mọi người phải xúm vào lo, gia đình mình không thể ngoại lệ.

Chị nói với mẹ: “Thôi mẹ ạ! Mẹ lo một suất, con lo một suất, chú út một suất. Thế là đủ”.

Chị còn động viên mẹ: “Sắp tới ngày rằm tháng Bảy, mẹ con mình về quê đến nhà thờ họ thắp hương. Chồng con xin nghỉ mấy ngày lái xe đưa mẹ và con đi”.

Bà nghe tin khuôn mặt tươi tỉnh, nói: “Mẹ già rồi. Con là con gái, ngoại tộc mà còn biết nghĩ như thế là tốt. Ai cũng phải có tổ tiên con ạ”.

Nhà chị có sáu anh em trai thì ai cũng đã có cuộc sống tương đối đầy đủ. Người nghèo nhất cũng đã có nhà cửa, đủ ăn đủ mặc. Ít ai biết rằng, họ trưởng thành là nhờ những ngày tháng lao động hết sức vất vả của bố mẹ, làm thuê, cuốc mướn suốt ngày đêm để con tiền nuôi con ăn học.

Chị còn nhớ, hồi nhỏ mẹ chị kể rằng, bà gặp bố chị là một chiến binh người ở đàng trong. Bà mến mộ chàng trai quả cảm, phong trần và đồng ý lấy ông ấy sau một đám cưới giản dị, gần như không có cỗ tiệc gì cả. Sau ngày 30/4/1975, ông trở về quê với đồng trợ cấp ít ỏi vì thương tật, không nghề nghiệp và bắt đầu cùng bà làm tất cả nhưng thứ gì có thể làm để nuôi bản thân và những đứa con lần lượt ra đời.

Khó khăn là vậy, nhưng ông bà vẫn canh cánh trong lòng chuyện quê nội của mấy đứa nhỏ. Thời đó do còn khó khăn nên họ hàng, dòng tộc chưa nghĩ đến chuyện tu sửa cái này, cái nọ nhưng chí ít ông bà cũng thỉnh thoảng khăn gói về quê thăm mọi người, thắp hương ở nhà thờ và ra nghĩa trang viếng mộ các cụ.

Mỗi khi có giỗ chạp, ông có nhắc bà: “Bà nhớ nhắc nhở mấy đứa con về các cụ, chí ít cũng là ông bà nội ngoại. Đứa nào cũng phải nhớ ngày giỗ để thắp nén nhang”.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, chuyện có đứa sao nhãng dòng họ là khó tránh khỏi. Chị biết mẹ mình rất lo khi con cái đã có đứa sao nhãng, còn cháu, chắt thì sao?

Bà nói: “Không phải liên hệ với dòng họ để cố kết làm sức mạnh, làm chỗ dựa. Nhưng con người phải có tổ, có tông chứ”…

Đến ngày chị và chồng đưa mẹ về quê nội. Trên xe bà hay thở dài khi nghĩ đến mấy đứa con trai vô tâm, dù xe còn đứa chắt ngoại đi theo, nó cười đùa bi bô suốt.

Qua mấy trăm cây số, xe nhà chị đã đến nơi, và đậu trong sân nhà thờ họ. Chị và mọi người bước vào nhà thờ chuẩn bị làm lễ, thắp hương. Lúc đó, bỗng có hơn chục người cùng vào nhà thờ…

Té ra, mấy tuần nay, chị âm thầm gọi điện vận động mấy ông con trai cùng về quê nội thắp hương. Chị còn gọi thêm cho mấy người chị, em dâu nữa, nói nguyện vọng của mẹ, đừng để mẹ buồn. Chị còn nhắc đến chuyện mỗi năm tết đến, nét mặt của mẹ lại lo âu như thế nào khi chưa may áo mới được cho con cái…

Hôm nay, con cháu về quê nhưng hẹn chưa nói cho mẹ biết để mẹ vui bất ngờ. Chị nhìn thất khuôn mặt mẹ vui hẳn lên, thầm nghĩ: “Các anh, các chị ơi! Mẹ già như chuối chín cây”…