70 năm giải phóng Thủ đô

Mê Linh tạo sức bật từ nông nghiệp giá trị cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa nên diện tích đất nông nghiệp của Mê Linh ngày càng bị thu hẹp.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, Mê Linh đã chủ động, linh hoạt trong việc quy hoạch, xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. Từ những việc làm này đã từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của Mê Linh phát triển ổn định, bền vững.

Hoa và rau – cây làm giàu

Theo đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Văn Quán (xã Văn Khê, huyện Mê Linh), cả thôn hiện có 800 hộ thì có tới hơn 500 hộ trồng hoa với diện tích khoảng 100 ha. Hộ trồng nhiều nhất là 2 mẫu, hộ ít khoảng 5 sào, lợi nhuận từ trồng hoa bình quân đạt 15 triệu đồng/sào/năm. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, bà con xã Văn Khê còn mạnh dạn đưa các giống hoa hồng nhập ngoại như hồng Pháp, Italia… thay thế giống hoa hồng cũ. Nhờ đó, hoa hồng Văn Khê đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng bởi bông hoa to, màu sắc tươi đẹp và lâu tàn.
Hoa và rau trở thành cây trồng “mũi nhọn” trong phát triển nông nghiệp của Mê Linh.                                                          Ảnh: Nam Phong
Hoa và rau trở thành cây trồng “mũi nhọn” trong phát triển nông nghiệp của Mê Linh. Ảnh: Nam Phong
Tại xã Tráng Việt, vài năm trở lại đây, bên cạnh việc trồng rau truyền thống, bà con còn hăng hái tham gia sản xuất rau an toàn (RAT), nhờ đó thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Hiện nay, toàn xã Tráng Việt có 180ha rau, trong đó có 70,2ha RAT, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 70 tấn rau các loại. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thôn Đông Cao cho biết: “Trồng rau cho thu nhập cao gấp 6 - 7 lần trồng lúa. Chẳng thế mà chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn thôn Đông Cao có tới 150 ngôi nhà (từ 2 - 3 tầng) được xây mới.”  

Theo lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, công tác quy hoạch phải đi trước một bước nhưng phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Huyện xác định, bên cạnh sản xuất lúa truyền thống đảm bảo an ninh lương thực, huyện tập trung chỉ đạo phát triển hai loại cây chủ lực có giá trị kinh tế cao là hoa hồng và rau. Đây được coi là “mũi nhọn” trong phát triển nông nghiệp giá trị cao của huyện Mê Linh. Hiện tại, toàn huyện có 7.800ha đất nông nghiệp, trong đó có 5.500ha lúa; 1.200ha rau, gần 500ha hoa, cây cảnh và 900ha trồng màu.

Linh hoạt trong quy hoạch

Ông Phùng Minh Chiến - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, trước đây, cây hoa được trồng chủ yếu tại khu vực trong đồng của các xã Mê Linh, Tiền Phong với diện tích khoảng 300ha. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp nên từ năm 2008 huyện vận động, khuyến khích người dân chuyển cây hoa hồng ra khu vực ngoài bãi sông Hồng thay thế cho cây ngô, cây đậu tương, khoai lang giá trị kinh tế không cao. Đến nay, diện tích trồng hoa các loại đã tăng gần 500ha. Để giúp người dân trồng hoa yên tâm về “đầu ra”, huyện đầu tư nâng cấp chợ hoa Mê Linh tại xã Mê Linh, nằm ven quốc lộ 23A, biến nơi đây trở thành trạm trung chuyển hoa sầm uất, lớn nhất, nhì TP.Cùng với cây hoa hồng, tận dụng lợi thế vùng đất bãi, huyện Mê Linh mở rộng diện tích trồng rau tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiến Thắng, Vạn Yên. Để tăng năng suất, chất lượng rau, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng rau Mê Linh, năm 2013, huyện thực hiện xây dựng thí điểm mô hình sản xuất RAT 20ha tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, cho giá trị kinh tế đạt trung bình từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, người dân đồng tình ủng hộ, đến nay, toàn huyện có 7 xã với gần 500ha RAT được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.

Để sớm hoàn thành các mục tiêu theo quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tiến bộ khoa kỹ thuật cho các vùng trồng hoa, trồng rau. Cùng với đó, huyện đang hoàn thiện các chính sách, cơ chế để người dân và các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.