Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mê Linh: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp chuyên canh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất nhỏ lẻ được xem là rào cản trong phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, huyện Mê Linh đang tập trung hỗ trợ chủ thể phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh.

Hoa hồng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hoa hồng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Sau khi thực hiện dồn ghép ruộng đất, huyện Mê Linh đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Diện tích cụ thể tại một số xã là: Tiến Thắng 200ha, Liên Mạc 104ha, Chu Phan 102ha, Thạch Đà 60ha, Tự Lập 52ha…

Đến nay, toàn huyện đã hình thành được hơn 150 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con, chăn nuôi gia cầm từ 1.000 - 5.000 con, chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con trở lên. Nhiều trang trại, gia trại đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như hệ thống làm mát, sưởi ấm, phối trộn và cho ăn - uống tự động…

Trong lĩnh vực trồng trọt, UBND huyện Mê Linh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP. Đơn cử như hỗ trợ 50% giống lúa và vật tư cho 500ha gieo trồng; hỗ trợ 70% thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cho 386ha canh tác rau an toàn; hỗ trợ 50% giống chuối trên diện tích 10ha…

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của TP và các sở ngành, đến nay toàn huyện Mê Linh đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô 30ha, vùng hoa 20ha, vùng rau an toàn 20ha và vùng cây ăn quả 20ha. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, nông sản tại các vùng chuyên canh tập trung cho năng suất và chất lượng vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP.

Cùng với phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, huyện Mê Linh cũng hỗ trợ tích cực các chủ thể hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 55 sản phẩm được UBND TP đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Trong số này, có 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Chính vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị cho các tổ chức, DN, hợp tác xã…, đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh đề nghị các sở, ngành của Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại; hỗ trợ chủ thể OCOP của địa phương kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống phân phối trên địa bàn TP và cả nước.