Mình lại cưới nhau em nhé?

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị lại xúng xính trong bộ áo dài truyền thống hoa văn tuyệt đẹp mà khi mặc vào ai cũng phải trầm trồ. Có người hỏi sao chị không mặc áo dài cưới của phương Tây? Chị chỉ mỉm cười.

Trong thâm tâm, chị là người yêu những cái gì thuộc về truyền thống, từ cách ăn mặc đến giao tiếp, sinh hoạt. Chị cũng thích không khí gia đình hơi kiểu cũ. Trong gia đình đó, người chồng hơi có vẻ gia trưởng, sôi nổi, mạnh mẽ; còn người phụ nữ ít nói và hiền dịu… Tuy nhiên, vẻ bề ngoài của chị không như chị… muốn. Ai cũng nói chị có vẻ đẹp “bốc lửa” hơi Tây, dáng cao, da trắng, sống mũi cao và thẳng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ hồi còn là học sinh, chị đã được nhiều chàng vây quanh. Mỗi dịp hè, sinh viên về làng gần như suốt ngày quanh quẩn ở nhà chị. Nhiều lúc, bố của chị cau có: “Mày đi học xa cho khuất mắt đi; đi lấy chồng đi! Chứ cứ thế này bố và mẹ mày suốt ngày nấu nước cho bọn mày uống”. Đó là bố mắng yêu thế thôi. Bố và mẹ một mặt vui mừng vì con có nhiều chàng trai săn đón, mặt khác sợ con sao nhãng học hành, yêu đương sớm quá.

Thực tế thì hồi đó chị cũng thích một chàng trai học Bách Khoa Hà Nội. Chàng này không đẹp trai nhưng rất thông minh, học hành giỏi nổi tiếng. Chỉ có anh chàng này là chị đồng ý cho chở đi chơi xung quanh làng, đến bạn học của chị mà thôi. Nhưng quen được vài tháng, chị thấy anh ta hơi là lạ, gần như anh không nói gì ngoài khoe chuyện bản thân học giỏi như thế nào. Chị nghĩ: “Ơ! Mình biết anh học giỏi rồi mà, nói mãi làm gì nhỉ?”.

Thế rồi chị cũng vào đại học, học ngành tài chính - kế toán. Đó cũng là thời gian chị gặp anh, một kỹ sư tu nghiệp ở nước ngoài về, cũng trong dịp hè. Anh là học trò cũ của mẹ chị. Lúc anh vào nhà thăm cô giáo cũ, gặp chị, anh có vẻ như chững lại mất mấy giây. Sau khi chào cô giáo xong, anh nói: “Bé… đây à? Sao mà mau lớn thế!”.

Anh hơn chị khá nhiều tuổi nên chị cũng không để ý là ngày xưa anh như thế nào, chị biết mẹ nói anh học giỏi nên mới được đi nước ngoài học, hồi đó chỉ theo diện đậu đạt, có học bổng.

Sau này chị mới biết, ngay từ lúc anh mới về nước, mẹ chị đã muốn anh là con rể của mẹ. Mẹ chị nói với chị: “Anh ấy có tài, sống chỉn chu ngay từ thời đi học con ạ”.

Khi đám cưới được tổ chức, lúc chị vừa tốt nghiệp đại học, chị cảm thấy hạnh phúc và trông anh cũng rạng rỡ biết bao nhiêu.

Sau mấy năm chung sống, chị và anh có được một bé gái kháu khỉnh. Kinh tế gia đình khá giả vì cả hai đều kiếm ra tiền, hai gia đình nội - ngoại cũng đều hỗ trợ, chị và anh dường như không có gì đáng phàn nàn. Một điều nữa, chị như người bị thời gian bỏ quên, nhan sắc ngày càng mặn mà.

Thế rồi, đùng một cái, chị nhận được đơn ly hôn của anh. Chị gặng hỏi lý do, anh trả lời cộc lốc: “Không hợp nữa”. Chị khóc hết nước mắt với bao nhiêu câu hỏi nhảy múa trong đầu…

Mấy tháng sau, chị đang ngồi chơi với con thì anh xuất hiện. Chị biết anh từng bị tuyên án phạt tù giam vì một án kinh tế, trước ngày anh và chị ly hôn. Lúc tòa xử vụ án liên quan đến anh, chị lặng lẽ ngồi ở hàng nghế sau... Anh về, chị vừa mừng vừa tủi, đứa con mở cặp mắt trong veo nhìn bố như dò hỏi. Chị vừa khóc tức tưởi vừa nói: “Anh có lỗi lầm gì thì cần có mẹ con em hỗ trợ chứ, sao lại bỏ mẹ con em?”.

Anh cúi đầu nói rằng, anh nghĩ mình sẽ phải “đi” lâu dài nên không muốn chị đơn độc trong cuộc đời nên đã ly hôn với chị. Anh cũng vui mừng thông báo là rốt cuộc anh được minh oan; vụ án phức tạp, anh chỉ vô tình vướng vào vụ việc.

Anh bồng con và nhìn chị tha thiết: “Mình lại cưới nhau em nhé?”. Đám cưới lần hai chỉ mời khoảng ba chục người thân thiết trong không gian nhỏ ấm cúng. Gọi là đám cưới cũng được, tiệc mừng cũng đúng. Điều đặc biệt là chị lại cảm thấy hạnh phúc dâng trào. Anh cũng đang rạng rỡ cụng ly với mọi người. Chị thầm nghĩ: “Không biết anh sẽ có cảm giác như thế nào nếu biết mình đang mang thai đứa thứ hai không nhỉ?”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần