Mô hình giúp nông dân làm giàu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 năm triển khai Đề án "Phát triển hoa và cây cảnh giá trị cao", trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất hoa quy mô lớn, hiệu quả cao. Với thu nhập bình quân mỗi năm hàng tỷ đồng/ha, hoa đang trở thành loại cây trồng giúp nông dân một số vùng ngoại thành vươn lên làm giàu.

Nâng cao thu nhập từ trồng hoa

Mặc dù chỉ mới xuất hiện ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, nhưng nghề trồng hoa đã giúp cho người dân nơi đây có nguồn thu nhập cao. Bà Tạ Thị Bình - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hạ Mỗ cho biết, nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên các loại hoa trồng ở Hạ Mỗ phát triển tốt, hình thức đẹp, nhất là hoa ly. Cả xã hiện có hơn 100 hộ trồng hoa với diện tích trên 70ha, trong đó có 50ha chuyên trồng hoa ly. Tận dụng lợi thế về chất đất, những năm tới, Hạ Mỗ dự kiến tập trung sản xuất hoa ly trái vụ.

Tương tự, ở xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, trước đây, người dân chỉ trồng cây lương thực, hoa màu truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, Tam Thuấn đã có 64 hộ chuyển sang trồng các loại hoa huệ, hoa cúc, hoa loa kèn, hoa ly… với tổng diện tích gần 27ha. Thu nhập của các hộ từ hoa loa kèn đạt 70 triệu đồng/sào/năm; hoa ly: 180 - 200 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 50 lần so với trồng lúa trước đây. Anh Đỗ Huy Nghĩa, thôn Táo 2, xã Tam Thuấn chia sẻ, năm 2013, gia đình anh trồng 7 sào hoa ly, doanh thu 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 1,5 tỷ đồng.
 
Người dân thu hoạch hoa ly tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. 	Ảnh: Nguyên An
Người dân thu hoạch hoa ly tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyên An

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm gần đây, cùng với sự gia tăng về diện tích, cơ cấu và chủng loại hoa, TP tập trung phát triển sản xuất hoa theo hướng tăng diện tích các loại hoa có giá trị kinh tế cao. Năm 2013, diện tích các loại hoa chất lượng cao tiếp tục tăng mạnh, chiếm 13% tổng diện tích trồng hoa của TP, trong đó, hoa ly tăng từ 2,7ha lên 100ha, hoa hồng chất lượng cao cũng tăng từ 23ha lên 150ha. Trong năm, các vùng sản xuất hoa cung cấp cho thị trường khoảng 250 triệu cành hoa, trong đó có 85% số lượng hoa được tiêu thụ tại chỗ, phần còn lại xuất sang các tỉnh và một số nước lân cận. Những hoạt động này đã góp phần hạn chế việc nhập khẩu hoa hồng, hoa ly trong các dịp lễ, Tết và ổn định giá hoa trên địa bàn TP.

Tăng cường hỗ trợ người trồng hoa

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hiện toàn huyện Đan Phượng có 100 ha trồng hoa, tập trung tại 5 xã. Nghề trồng hoa mang lại hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa, giúp người dân thoát nghèo và từng bước làm giàu. Do đó, 3 năm trở lại đây, huyện tập trung hỗ trợ người dân vay vốn để xây dựng hạ tầng, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh… Ngoài ra, việc nhiều người dân ở vùng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm đến Đan Phượng thuê đất trồng hoa ly đã tạo điều kiện cho người dân ở đây học tập thêm nhiều kinh nghiệm, góp phần tạo thành công cho mô hình này.

Triển khai Đề án Phát triển hoa và cây cảnh giá trị cao giai đoạn 2012 - 2016, đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng ban hành 19 quy trình kỹ thuật sản xuất cho các chủng hoa chính, tổ chức được 135 lớp tập huấn ngắn hạn cho trên 6.000 lượt nông dân về hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản các giống hoa mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các vùng trồng hoa trọng điểm, năm 2014, TP tiếp tục xây dựng vùng sản xuất hoa giá trị kinh tế cao với quy mô 170ha tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; mô hình sản xuất hoa đào tập trung quy mô 20ha tại quận Long Biên; hoa ly chất lượng cao theo mô hình sản xuất hàng hóa...

 
Để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản xuất hoa, thời gian tới, TP cần tăng cường hỗ trợ các hộ, trang trại sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm có giá trị kinh tế cao bằng các chính sách khuyến khích nhân rộng mô hình và vay vốn sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ các vùng hoa trọng điểm trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia triển lãm, hội chợ, tham gia thị trường hoa xuất khẩu. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần