Mở lối giúp hàng Việt vượt “bão” Covid-19

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 tái bùng phát làm giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ hàng Việt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những khó khăn này cũng tạo động lực cho DN sản xuất hàng Việt tự đổi mới sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ để vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Hàng Việt tiếp tục gặp khó 
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống bán lẻ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm Việt. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 2 con số của thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
 Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Co.op Mart

Dự báo doanh thu thị trường bán lẻ trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, dịch Covid-19 khiến người dân mất thu nhập, lạm phát tăng cao nên hàng Việt sẽ phải tiếp tục đối mặt với việc sức mua sụt giảm.
Đồng tình với phân tích này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu cho hay, với 4 đợt dịch Covid-19, hiện ngành bán lẻ đang rất khó khăn khi doanh thu sụt giảm từ 15-20%. Trong đó, ngành hàng điện máy giảm khoảng 30-40%, nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70-80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.
Phản ánh những khó khăn mà DN đối mặt do Covid-19, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, việc giãn cách xã hội, ngừng hoạt động nhiều dịch vụ khiến lượng người đi chợ, siêu thị mua sắm sẽ ít hơn. Ngoài ra, thu nhập của người dân giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng cũng dần thay đổi theo hướng chỉ mua các mặt hàng ăn uống, tiêu dùng thiết yếu, còn các mặt hàng như may mặc, điện máy, đồ gỗ… rất ít người quan tâm.
“Sức tiêu thụ giảm khiến nhiều DN bán lẻ phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh. Cụ thể, việc siêu thị Lotte Mart Đống Đa (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) sau 8 năm hoạt động (2014) đã thông báo ngừng kinh doanh là ví dụ điển hình”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
 Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại siêu thị Vinmart

Nhiều phương án ứng phó hiệu quả
Theo các chuyên gia kinh tế, để hàng Việt “vượt bão” Covid-19 bản thân DN sản xuất trong nước cần phải đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp thực tế.
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, hầu hết doanh thu của các DN đều giảm sút do dịch Covid-19. Để ứng phó, các DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong đó có Hapro đang rà soát lại hệ thống bán lẻ, để lại những điểm bán hàng tốt, đồng thời cũng giảm bớt những điểm bán hàng khồng phù hợp qua đó giảm chi phí không cần thiết. 
Bên cạnh việc tinh giảm hệ thống bán lẻ, để tiêu thụ hàng Việt nhiều nhà bán lẻ, DN sản xuất, người nông dân đẩy mạnh bán hàng online, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm, hàng Việt chất lượng cao, được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát.
 Người tiêu dùng tiêu thụ nông sản Việt tại siêu thị Co.op Mart

Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2020 (năm đầu tiên bùng phát dịch Covid-19) có đến 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18%. Từ đầu năm 2021 đến nay, 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam đã tham gia xây dựng Gian hàng Việt trực tuyến. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga thông tin, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại các sàn thương mại điện tử.
"Có thể thấy “Gian hàng Việt trực tuyến” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các địa phương trong việc tiêu thụ hàng Việt trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử" - bà Lê Việt Nga nói.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội cho thấy, mặc dù 67% người tiêu dùng Việt Nam xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, nhưng hiện chất lượng sản phẩm Việt tại thị trường nội địa thấp hơn hàng xuất khẩu sẽ dần khiến người tiêu dùng dần rơi xa. Vì vậy, Phó Chủ tịch AVR Nguyễn Thành Phương đề nghị DN cần nâng tiêu chuẩn của sản phẩm sản xuất trong nước ngang bằng với hàng xuất khẩu. “Những sản phẩm tiêu thụ trong nước phải có những tiêu chuẩn giống như sản phẩm xuất khẩu, tiêu chuẩn chất lượng phải áp dụng ngay từ khâu trồng trọt, sản xuất, tạo thành nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm”, ông Nguyễn Thành Phương nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bên cạnh việc xây dựng những giải pháp thích ứng Covid-19, còn đòi hỏi DN bán lẻ hình thành chuỗi sản xuất, cải thiện tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đặc biệt là đối với lĩnh vực nông sản. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn uy tín, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài.
DN bán lẻ cần bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đẩy mạnh các hình thức mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ, chất lượng. Đồng thời cần chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra cần phải chú ý cập nhật các thành tựu công nghệ, xu hướng thị trường, đặc biệt là gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng xây dựng giao diện thân thiện, đáng tin cậy và thuận lợi hơn cho khách. 
Chủ tịch AVR Vũ Thị Hậu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần