Những khoảng trống...
Sáng 29/3, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức hội thảo cấp cao về “Mở rộng diện bao phủ BHXH - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”. Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng gia tăng. Tính đến hết năm 2016, có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% LLLĐ trong độ tuổi. Hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Phạm Trường Giang, lao động nông nghiệp và những người làm ở khu vực phi kết cấu, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, mới chỉ chiếm 0,25% LLLĐ. Đặc biệt, có khoảng 5 triệu người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ giúp nào của nhà nước (hưu xã hội)… Những khoảng trống này là dư địa rất khó để tăng số người tham gia BHXH. Vì thế cần có những biện pháp mạnh để giải bài toán tăng độ bao phủ này.
Giải pháp theo cách tiếp cận mớiNhằm khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chính sách BHXH, Chính phủ đang giao cho Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho hệ thống BHXH ở Việt Nam. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành T.Ư Đề án cải cách chính sách BHXH. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, BHXH có vai trò rất quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. BHXH có tính chất liên ngành, không chỉ là luật pháp mà còn bởi tâm lý, thói quen trong xã hội. Cho dù có đặc thù, nhưng hệ thống BHXH của Việt Nam phải có những phương pháp, giải pháp tiếp cận cơ bản phù hợp với quy luật khách quan và xu hướng phát triển của quốc tế về BHXH. Đồng thời phải tính đến tình trạng già hóa dân số nhanh. Song song với đó là đồng bộ các chính sách xã hội khác từ giáo dục, y tế… để đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH làm việc với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam thống nhất giao kế hoạch chỉ tiêu thực hiện mục tiêu độ bao phủ BHXH theo lượng tiền và thông qua các cơ quan, DN, thậm chí là hộ gia đình. Với 20% LLLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc, nhất định phải có các giải pháp toàn diện từ vận động, kiểm tra, thanh tra cho đến khởi kiện DN nợ đọng. Và, làm sao phối kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị BHXH với cơ quan thuế để khắc phục tình trạng khai sai số liệu cũng như kết hợp thanh tra, kiểm tra.
Đi vào các giải pháp cụ thể, để nâng độ bao phủ của BHXH, bà Nguyễn Nguyệt Nga - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị giải pháp “Hái những quả thấp trước”, nghĩa là tăng tỷ lệ tham gia BHXH ở khu vực phi chính thức. Ví dụ, nếu Việt Nam phát triển mạnh số DN từ 500.000 lên 1 triệu vào năm 2020 thì số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH chuyển sang khu vực chính thức đồng nghĩa với số người tham gia BHXH tăng lên. Cùng với đó, là áp dụng cách tiếp cận mức đóng xác định có đối ứng (hỗ trợ) của nhà nước cho khu vực phi chính thức.Trong khi ấy ông Giang đề nghị giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH phù hợp, theo hướng gắn trách nhiệm với địa phương. Nhưng, đồng thời tăng cường gắn kết cơ quan thuế và BHXH để giám sát thu nhập. Cũng như thực thi chính sách hỗ trợ “có điều kiện” để tạo thói quen tham gia BHXH và bổ sung thêm chế độ ngắn hạn đối với chính sách BHXH tự nguyện. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến áp dụng kinh nghiệm “con tham gia BHXH để bố mẹ được hưởng lương hưu xã hội”.
Cùng với việc thông tin tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng rất cần sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam, TLĐLĐVN và các đoàn thể xã hội khác. Có như thế, an sinh xã hội được đảm bảo bền vững, kinh tế mới phát triển. |