Chiều 12/5, Đoàn kiểm tra số 1 của của Thành uỷ Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn huyện Đông Anh.
Đẩy mạnh dân chủ trong giải phóng mặt bằng
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường, những năm qua, Đông Anh là một trong những địa bàn đứng đầu TP về số lượng các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB). Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo tiến độ với nhiều dự án lớn như: Khu công nghiệp Thăng Long, Đường trục kinh tế miền Đông, dự án hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì…
Cùng với việc hoàn thành công tác GPMB góp phần khẩn trương đưa các công trình trọng điểm về giao thông của T.Ư và TP vào khai thác, sử dụng như: Dự án Cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài; cầu Đông Trù; đường 5 kéo dài; Quốc lộ 3 mới…, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Đông Anh đã triển khai công tác thu hồi đất, chi trả tiền GPMB trên 300 dự án liên quan 9.800 hộ với số tiền trên 5.000 tỷ đồng và bàn giao hơn 700ha đất để các chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Trong đó, nhiều dự án trọng điểm của T.Ư và TP được thực hiện đảm bảo và vượt tiến độ như: Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, đạt 100% diện tích đất cần GPMB; Dự án công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy đạt 98% diện tích đất cần GPMB; Dự án xây dựng khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm TP Hà Nội, đạt 100% diện tích đất cần GPMB; Dự án Tổ hợp Y tế chăm sóc sức khỏe công nghệ cao 19,64/40,8ha đã GPMB; Dự án TP Thông minh với diện tích khoảng 216/272ha hoàn thành công tác GPMB...
Năm 2023, thực hiện quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của UBND TP, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai 444 dự án trong danh mục với diện tích thu hồi đất trên 2.069ha.
Trong đó, dự kiến triển khai GPMB đối với 105 dự án đủ điều kiện; tiếp tục ưu tiên tập trung hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trọng điểm, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất, dự án bức xúc dân sinh, hạ tầng giao thông, trường học nằm trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, 2024… Đồng thời giải quyết dứt điểm tồn tại, kéo dài trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
“Công tác GPMB đã được thực hiện công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Vì vậy, mặc dù diện tích thu hồi lớn, số hộ liên quan nhiều nhưng quá trình thực hiện không phát sinh đơn thư, khiếu kiện phức tạp. Cấp ủy, chính quyền phối hợp với chủ đầu tư đã làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại thẳng thắn với Nhân dân nên đều nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của đại bộ phận Nhân dân trong việc bàn giao mặt bằng để thi công đúng tiến độ” – Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho hay.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương những kết quả huyện Đông Anh đã đạt được trong quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn liên quan đến GPMB, quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Huyện cũng phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác GPMB, quản lý TTXD trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB còn hạn chế. Có lúc thiếu sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến của Nhân dân.
Huyện ủy chưa lãnh đạo việc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ trong công tác GPMB, quản lý TTXD; vẫn còn có một số công trình xây dựng không phép, sai phép. Năm 2022 có 11 trường hợp vi phạm, 3 tháng đầu năm 2023 có 5 trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, huyện vẫn chưa giải quyết dứt điểm những vi phạm tồn tại cũ. Một số dự án bị chậm tiến độ theo kế hoạch. Báo cáo chưa thể hiện rõ tỷ lệ công khai giấy phép xây dựng của các hộ gia đình, tỷ lệ thực hiện niêm yết công khai giấy phép xây dựng tại chân công trình, tỷ lệ hộ dân không nhận tiền và bàn giao mặt bằng phải tổ chức cưỡng chế, bao nhiêu dự án chậm tiến độ theo kế hoạch?...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện Đông Anh cần tập trung vào một số nhiệm vụ thời gian tới: Cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các văn bản của T.Ư, TP về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023), chính sách, pháp luật về đất đai, TTXD, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Trong đó, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với các nhiệm vụ trọng tâm của TP, địa phương, cơ sở; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TU về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền.
Đồng thời thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch, đối thoại với người dân bị thu hồi đất để tuyên truyền, vận động Nhân dân, hạn chế khiếu kiện, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án được giao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện Đông Anh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; công khai minh bạch, tạo thuận lợi để Nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép xây dựng.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện thực hiện tốt công tác đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân.
“Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng; trách nhiệm của chính quyền, của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện quy chế dân chủ. Tiếp tục cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những quy chế về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc biệt, mở rộng, xây dựng quy chế dân chủ trong các lĩnh vực nhạy cảm mà Nhân dân quan tâm” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu UBND TP giúp huyện Đông Anh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, quản lý TTXD. Theo đó, cần tăng thêm biên chế cho các đơn vị thực hiện công tác GPMB như: Ban Quản lý dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện...
UBND TP cần sớm xem xét việc điều chỉnh quy hoạch tầng cao công trình đối với các khu vực dân cư hiện có thuộc các đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng tại khu vực bãi sông thuộc khu vực di dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo liên quan tới mô hình của Đội Quản lý TTXD cấp huyện nhằm ổn định lực lượng thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý TTXD.