Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả
Theo các đại biểu, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Như đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang) đã nêu, thị trường bất động sản đã, đang và dự báo có thể tiếp tục có biến động, tình trạng nhà đầu tư đầu cơ, đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, “bong bóng” giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường. Dòng tiền đầu tư vào kinh doanh bất động sản là rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các TCTD, đây cũng là rủi ro, phát sinh nợ xấu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này là 1,62%, khoảng 37.000 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thị trường bất động sản bao gồm nhiều chủ thể, thu hút nhiều nguồn đầu tư khác, tín dụng chỉ là một kênh tham gia đầu tư thị trường bất động sản. Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, kiểm soát vốn vào thị trường rủi ro.
Đối với thị trường bất động sản, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các TCTD chỉ cho vay khi khách hàng bảo đảm đủ điều kiện và khả năng trả nợ, nhưng có rủi ro vô cùng quan trọng là rủi ro thanh khoản.
Bởi bản chất của thị trường bất động sản là giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại ngắn hạn. Nếu các TCTD cho vay không kiểm soát được, thì khi khách hàng đến rút tiền lại không đòi được khoản nợ dài hạn. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước có quy định kiểm soát rủi ro như vậy.
Đối với tình trạng “tăng giá, thổi giá” trên thị trường bất động sản, cũng có liên quan đến khoản vay có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo: Các TCTD khi đã cho vay tài sản bảo đảm thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản bảo đảm để nhận diện rủi ro.
Đối với TCTD cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản mà tài sản ở những địa bàn có giá bất động sản “bong bóng” và rất cao, các TCTD phải thận trọng, kiểm soát rủi ro đối với những tài sản bảo đảm này.
Đối với thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu "phải thanh tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới đi lo làm chuồng”. Tất cả các thị trường phải thông suốt. Giám sát, quản lý chặt thị trường đấy, nhưng phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển.
“Chấn chỉnh những méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải chúng ta đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách với tài chính, với kinh tế không thể giật cục được mà phải nhất quán, thông suốt" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Siết chặt tín dụng cho vay bất động sản: Tránh gây sốc thị trường
Kinhtedothi - Hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 mang đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng...

Quảng Ninh: Bắt giữ 2 đối tượng cầm đầu đường dây tín dụng đen
Kinhtedothi - Ngày 30/5, Công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết đơn vị vừa tạm giữ Nguyễn Văn Công (SN 1993) và Nguyễn Văn Tuyền (SN 1998), đều trú xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Khởi tố 26 đối tượng trong đường dây tín dụng đen với lãi suất hơn 2.000%/năm
Kinhtedothi – Ngày 3/6, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố bị can đối với 26 đối tượng trong đường dây tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hơn 2.000%/năm.