Trật tự vỉa hè vẫn lộn xộn Đại tá Lê Học Thu, Chánh Văn phòng Công an Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã triển khai 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành rà soát, chấn chỉnh các điểm đỗ xe tĩnh và hoạt động trông giữ xe trên địa bàn 10 quận. Qua đó, đã phát hiện 120 điểm trông giữ phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2,45 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng CSGT đã xử lý 4.153 trường hợp xe ô tô vi phạm dừng, đỗ trên vỉa hè, lòng đường tại 4 quận nội thành, phạt nguội 216 trường hợp, tạm giữ 219 ô tô và tước giấy phép lái xe 3.777 trường hợp… Lực lượng CSGT cũng đã kiểm tra, xử lý 261.346 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (tăng 21% so với quý II/2011), phạt thành tiền 61,357 tỷ đồng (tăng 25% so với quý II/2011).
“Kết quả đạt được là vậy, song ở hầu hết các quận trật tự vỉa hè vẫn còn lộn xộn, phức tạp. Việc lấn chiếm hè phố để kinh doanh vẫn xảy ra nhưng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các đơn vị cơ sở còn rất hạn chế. Tại hầu hết các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn 10 quận đều phát hiện các vi phạm…” - Đại tá Thu nói. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra liên ngành tại các điểm ô tô, xe máy đỗ trên vỉa hè, lòng đường. Ở đây, các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt. Cần kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ xe bất hợp pháp.
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Vi phạm trật tự đô thị ở quận Hai Bà Trưng tập trung ở 2 loại chính là những điểm trông giữ ô tô, xe máy (kiểm tra 60 điểm thì điểm nào cũng có vi phạm); thứ hai là chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Để giải quyết vấn đề này cần xử lý nghiêm các vi phạm vì giáo dục, tuyên truyền nhiều không giảm. Cấp phường là nơi phải chủ động giải quyết các điểm nhỏ còn quận xử lý các điểm lớn. Rút giấy phép kinh doanh điểm trông xe vi phạm Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho rằng vấn đề TTATGT đô thị trên địa bàn thành phố đang trở nên bế tắc. Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp giảm thiểu UTGT tại Hà Nội, trong đó có vấn đề đổi giờ học, giờ làm. Thành ủy Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND TP xác định ba nhóm đối tượng chủ yếu để điều chỉnh. Tuy nhiên, Trung tướng Nhanh cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, vì việc đổi giờ học, giờ làm có giảm ùn tắc giao thông hay không vẫn là câu hỏi chưa trả lời được? Để thực sự giảm thiểu ùn tắc giao thông còn nhiều vấn đề khác phải làm. “Theo tôi, thời gian tới cần tập trung xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Giao thông. Các năm trước tiền phạt thu về khoảng 15 - 20 tỷ, hai năm trở lại đây xử phạt lên tới 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, với 100 trường hợp vi phạm mới dừng ở mức phạt 30 trường hợp còn lại 70 là “lọt lưới”. Do vậy, cần quyết liệt hơn trong việc xử phạt vi phạm pháp luật an toàn giao thông. Ngoài ra, vấn đề điểm đỗ xe ô tô chiếm dụng lòng đường đang trở nên nhức nhối trong dư luận. Thành phố đang thiếu điểm đỗ, dẫn đến nảy sinh điểm đỗ ở lòng đường mà xử phạt bao nhiêu cũng không xuể. Tuy nhiên, ở các quận, huyện xuất hiện lợi ích nhóm và lợi ích bộ phận đó là có lợi ích của phường và quận nên mới “chềnh ềnh” ra các điểm đỗ như vậy. Thời gian tới, cần làm kiên quyết xử phạt hành chính với mức cao nhất cộng với rút giấy phép các điểm đỗ xe trái phép…” - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói.