Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn: 

Mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững du lịch nông thôn tại Việt Nam, thì yếu tố quan trọng nhất là mỗi địa phương phải có sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng.

Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch canh nông đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách. Thực tế cho thấy, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn...

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).

Rất đông đại biểu tham dự trực tiếp Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, sáng 22/9
Rất đông đại biểu tham dự trực tiếp Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, sáng 22/9

Nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại, được sự cho phép và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sáng 22/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đơn vị Thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Dự và chủ trì diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970.

Bên cạnh đó, tham dự trực tiếp diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố; Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương và gần 500 điểm cầu trực tuyến gồm đại diện các doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên từ các trường đại học, doanh nghiệp lữ hành, cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, du lịch, các hộ gia đình, nghệ nhân…

Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”  là kênh kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các địa phương, cùng nhau kết nối và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại cho các sản phẩm du lịch nông thôn
Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”  là kênh kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các địa phương, cùng nhau kết nối và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại cho các sản phẩm du lịch nông thôn

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.

Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn. Đó là ý nghĩa và mong muốn mà Ban Tổ chức gửi gắm thông qua việc tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.

Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các địa phương cho rằng, để loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển, đóng góp nhiều cho xã hội, cần có những chính sách và chiến lược phát triển cụ thể, linh hoạt tại mỗi địa phương, để "đánh thức" và phát huy những sản phẩm du lịch mang lại những giá trị riêng biệt, bền vững.

Tập trung năng lực cạnh tranh, phát triển tiềm năng sẵn có

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group cho rằng, việc đưa chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group

Trong giai đoạn này, ông Hoàng Anh cho rằng Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa. Tất cả địa phương hiểu rằng đây là chương trình hay, giá trị, như vậy, các địa phương cần xác lập tour, tuyến gắn với địa điểm là sản phẩm OCOP, giao Sở Du lịch, và đầu mối du lịch để quảng bá sản phẩm và giá trị sản phẩm OCOP.

Đồng quan điểm, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời vào năm 2018, đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương 
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương 

Đánh giá cao việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP, bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam nhấn mạnh, sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Góc nhìn của nhà lữ hành cho thấy ngành du lịch "xanh" đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.

Do đó, bà Phan Yến Ly đề xuất giải pháp “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng” – One Region One Agriculture Product (OROAP). Theo bà Ly, sáng kiến này sẽ làm mới và đồng bộ hóa chương trình OCOP, vốn đã rất thành công trong phát triển đặc thù vùng miền thông qua sản phẩm văn hóa.

“Phong trào này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh” - bà Ly nói.

Bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam
Bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam

Qua đó, chính sách quản lý, nghiên cứu văn hóa, cũng như phương pháp quảng bá cũng sẽ đồng hành với du lịch nông nghiệp lữ hành. Phát triển toàn diện sẽ tạo câu chuyện truyền thông mới lạ, thổi hồn và xâu chuỗi các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng bởi hệ sinh thái các vùng miền.

Lấy dẫn chứng cho phần trình bày của bà Ly, bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn - công ty sản xuất nước mắm lớn nhất tại đảo Phú Quốc, được 28 quốc gia EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho biết, với lịch sử hơn 200 năm, nước mắm truyền thống Phú Quốc là niềm tự hào và đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng đảo.

Với kinh nghiệm của mình, bà Liên cho rằng doanh nghiệp du lịch nông thôn cần hiểu văn hóa địa phương, nhu cầu khách du lịch và xu hướng quốc tế. Từ khi tiếp nhận chương trình OCOP và nhận danh hiệu 5 sao, nước mắm Khải Hoàn đã trở thành đại diện của cộng đồng dân cư Phú Quốc, góp phần giữ gìn truyền thống địa phương.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn
Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn

Chia sẻ tâm huyết làm nghề, bà Liên nói: “Nước mắm Phú Quốc, cũng như miền Trung, miền Bắc, được đặc trưng bởi thổ nhưỡng từng khu vực. Do đó, người làm nước mắm cần cảm nhận thổ nhưỡng nơi mình sống, đặt mình vào dòng chảy lịch sử để tiếp nối truyền thống nghề làm mắm của ông cha”.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho rằng phát triển bền vững lại cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Bà đề nghị Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tại diễn đàn, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng, với việc xác định đúng hướng đi, thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, trong tương lai không xa, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

 

6 bước xây dựng thương hiệu du lịch

"Thương hiệu là thứ vô hình, và chỉ được nhận biết thông qua cảm nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, thương hiệu du lịch được xây dựng qua 6 bước, gồm: xác định mục tiêu; phân tích thị trường để xác định cơ hội, thách thức; phát triển bản sắc thương hiệu và thông điệp mạnh mẽ; tạo ra các thương hiệu hấp dẫn, nhất quán về mặt thị giác; tiếp thị và truyền thông thương hiệu đến đối tượng mục tiêu; và đo lường kết quả, tiếp tục cải thiện thương hiệu" - ông Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh

Phát triển du lịch theo hướng nhân văn, sinh thái

 “Nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn. Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP” - Bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

4 yếu tố cần xem xét trong mối quan hệ giữa OCOP và du lịch nông thôn

"Thứ nhất, đánh giá cụ thể, chọn lọc kỹ lưỡng để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương, tạo thuận lợi hơn phát triển du lịch nông thôn.

Thứ hai, đối với sản phẩm OCOP mang tính thủ công không nên sản xuất công nghiệp đại trà làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó.

Thứ ba, cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch nông thôn và các đơn vị địa phương.

Thứ tư, các công ty du lịch cần quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm OCOP ở địa phương thay vì chỉ quan tâm đến “hoa hồng”, dẫn đến mất niềm tin của khách sử dụng" - Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Saigon Asset