Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Mỏi mòn chờ nhận tiền hỗ trợ Covid-19] Bài 2: Nhọc nhằn thủ tục!

DUY CHÍ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ngành tỉnh Bình Dương đều có chung quan điểm: “Quyền lợi của dân thì dân phải được hưởng”. Nhưng khi dân trực tiếp đến nộp hồ sơ xin nhận trợ cấp thì cán bộ lại không mặn mà.

Cán bộ phường chưa mặn mà tiếp dân đến làm thủ tục hưởng trợ cấp
Không tin rằng cán bộ phường Phú Hoà (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã "xua đuổi" người dân khi đến nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp do có người thân chết vì Covid-19, chiều 4/11/2021, phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã cùng anh Nguyễn Thanh Tuấn tìm đến Văn phòng UBND phường Phú Hoà với hi vọng sẽ tìm được câu trả lời xác đáng. Tại đây, chúng tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến cảnh anh Nguyễn Thanh Tuấn và ông Nguyễn Ngọc Vũ, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Phú Hòa trao đổi với nhau.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi vừa thấy anh Tuấn, ông Vũ đã cho rằng: “Chủ tịch phường đã chỉ đạo, tôi chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trợ cấp cho người có hộ khẩu thường trú. Người tạm trú thì về quê làm thủ tục khai tử”.
Anh Tuấn nài nỉ: “Không có tiền mới bám ở đây. Giờ về quê sẽ bị cách ly 15 ngày trả phí, làm sao dám về. Cán bộ có cách nào giải quyết...”.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tại phòng làm việc chiều 4/11/2021.
Giơ cao văn bản "Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ mai táng phí đối với người chết do dịch Covid-19 trên địa bàn Bình Dương" ông Vũ nói lớn: "Đây nè, văn bản có quy định rõ ràng nè!".
Nhưng sau đó, khi đọc đến đoạn: “Gia đình có người bị chết do Covid-19 có tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng kèm giấy báo tử gửi Chủ tịch UBND cấp xã nơi có người chết do dịch Covid-19 đang thường trú, tạm trú”, thì ông Vũ vội vàng: ''Cái này để tôi hỏi lại Chủ tịch” (?!).
Trao đổi với Chủ tịch UBND phường Phú Hòa Nguyễn Thị Kim Thúy về vấn đề này qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: “Người dân có hồ sơ cứ đến UBND phường làm thủ tục theo quy định. Không có chuyện Chủ tịch UBND phường yêu cầu chỉ nhận hồ sơ của người có hộ khẩu thường trú mà từ chối người tạm trú."
"Tôi đang cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm PCR và sẽ trả lời báo chí vào đầu tuần tới về vấn đề này” - bà Kim Thúy nói.
Quyền lợi của dân, dân phải được hưởng

Tại hội nghị gặp mặt báo chí gần đây nhằm thông tin kết quả hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và chủ trương của tỉnh về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói chung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương nêu rõ: “Chủ trương nhất quán của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là “Quyền lợi của dân thì dân phải được hưởng”. Cụ thể như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động tại Nghị quyết số 04 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương hỗ trợ 300.000 đồng tiền thuê nhà trọ cho người lao động; Quyết định số 12 của UBND tỉnh Bình Dương về chi hỗ trợ 500.000 đồng hoặc bằng lương thực, thực phẩm cho người dân thực hiện cách ly “ai ở đâu ở yên đó” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ...

Văn bản hướng dẫn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương về hỗ trợ mai táng phí đối với người tử vong vì Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trước một số ý kiến cho rằng, số tiền hỗ trợ, quà hỗ trợ quá ít so với thời gian thực hiện cách ly chống dịch, ông Nguyễn Tầm Dương giải thích: “Để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Trung ương đã quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Việc chi hỗ trợ là nhằm bù đắp phần nào thiệt thòi của người dân do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với tinh thần đó việc chi hỗ trợ nhằm giúp người dân không bị đói trong thời gian chống dịch. "Đánh giặc chỉ mong được ăn no chứ không phải ăn ngon...!" - ông Nguyễn Tầm Dương nói.
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương Lê Minh Quốc Cường cho biết: Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đến tay người dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Người dân an tâm, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp chính quyền địa phương nơi cư trú, tạm trú sẽ được giải quyết, hỗ trợ.
Luôn muốn người dân được hưởng trợ cấp
Là một trong những phường đông dân cư của tỉnh Bình Dương, từng thực hiện “đông cứng, khóa chặt”, Chủ tịch UBND phường An Phú (TP Thuận An) Trần Thị Bạch Yến cho biết: Chính sách hỗ trợ mai táng, tử vong do Covid-19 được hỗ trợ bởi 2 nguồn là MTTQ hỗ trợ 10 triệu đồng/người và TBXH hỗ trợ 20 triệu đồng/người. Phường An Phú hiện đang nhận 189 hồ sơ tại MTTQ và 128 hồ sơ tại TBXH để trình thành phố duyệt. Hiện đã chi trả xong 87 hồ sơ.
Các trường hợp còn lại là do thân nhân người chết chưa nộp đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định như giấy báo tử, hồ sơ chứng nhận tử vong do Covid-19, người thân đã về quê…Trong số này có nhiều hồ sơ ghi chưa đúng với quy định như: Test nhanh nghi nhiễm Covid-19; Test nhanh chưa có kết quả đã mất rồi đưa đi hỏa táng nên thiếu giấy tờ.
“Vì lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, chưa có hướng dẫn ghi hồ sơ thống nhất nên địa phương phải tiếp tục yêu cầu người dân bổ sung đầy đủ hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì địa phương đề nghị thành phố duyệt chi hỗ trợ. Vì đây là quyền lợi chính đáng, người dân được hưởng theo quy định của pháp luật” - bà Trần Thị Bạch Yến nói.  
Theo bà Bạch Yến, chính sách hỗ trợ Covid-19, rất nhiều, địa phương phải cố gắng làm hết sức để người dân sớm được hưởng. Nhiều trường hợp đã có ý kiến kết luận dừng xem xét, ngừng chi. Nhưng xét từng trường hợp cụ thể, thấy có lý do chính đáng, phù hợp, địa phương tiếp tục đề nghị hỗ trợ.
"Chúng tôi hiểu rằng, không ai mạnh khỏe, đầy đủ lại muốn được nhận trợ cấp mai táng do chết vì Covid-19. Vì vậy, khi người dân tìm đến chính quyền để làm hồ sơ nhận hỗ trợ, cán bộ chính quyền phải hết sức tận tâm..." - bà Bạch Yến chia sẻ.
"Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, tôi xin truyền đạt ý kiến, quan điểm, chủ trương của lãnh đạo tỉnh về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do Covid-19 như sau: "Cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương cùng lúc phải đảm đương rất nhiều việc từ phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, cách ly y tế... nên đâu đó đã xảy ra chậm trễ thiếu sót. Lãnh đạo tỉnh rất cảm thông, chia sẻ với người dân... Tỉnh Bình Dương quyết tâm và nêu cao tinh thần thiếu sót thì sửa chữa. Nhưng sai phạm thì phải xử lý theo quy định, trên tinh thần công khai, minh bạch, không che giấu..."'' - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương nói.