Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mọi thứ đang không ủng hộ Ukraine

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã né tránh câu hỏi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về khả năng Ukraine được chấp nhận vào NATO và nhận tên lửa tầm xa từ Berlin - tờ Bild đưa tin hôm nay thứ Bảy (ngày 13/10).

Theo tờ báo này, ông Zelensky đang đi khắp châu Âu nhằm thúc đẩy việc viện trợ quân sự.

Ông Zelensky đã đặt ra hai mục tiêu chính trong chuyến công du lần này, bao gồm: xin phép sử dụng vũ khí do các đồng minh sản xuất, bao gồm cả tên lửa Taurus mà Đức đang có kế hoạch chuyển giao, để tấn công các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ Nga và thúc đẩy kế hoạch gia nhập NATO.

Tuy nhiên, tờ báo này cho biết kết quả chuyến đi không được như mong muốn của nhà lãnh đạo Ukraine khi cả hai yêu cầu đều bị Berlin phớt lờ. Tờ báo cho biết dù ông Scholz không trực tiếp từ chối, nhà lãnh đạo cũng không tích cực phản hồi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: RT
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: RT

Bên cạnh đó, ông Zelensky không thể gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden do người đứng đầu Nhà Trắng vẫn đang bận theo dõi tình hình cơn bão cấp 5 Milton khi đổ bộ Florida. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Ukraine, nhà lãnh đạo Mỹ đang tránh đề cập đến xung đột tại Kiev khi cuộc bầu cử quan trọng đang đến gần.

Ukraine đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus, có khả năng tấn công các mục tiêu xa tới 500 km. Mặc dù chủ đề này đã được thảo luận cẩn trọng tại Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn từ chối yêu cầu của Ukraine do lo ngại sẽ dẫn đến leo thang xung đột. Ông Scholz cho biết việc chuyển giao vũ khí sẽ khiến Đức trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do quốc gia khác cung cấp tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa trực tiếp tuyên chiến với Moscow. Ông cũng đã yêu cầu nâng cấp chiến lược hạt nhân quốc gia, trong đó nhấn mạnh bất kỳ hành động tuyên chiến vào nước Nga từ một quốc gia phi hạt nhân, nhưng có sự hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân, sẽ được xem là cuộc tấn công do cả hai cùng thực hiện và có thể sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.