Mối tình của bố

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghe tin bố lấy vợ, chị mấy đêm không ngủ được. Tuy nhiên, chị không vội lên tiếng và không có ý định khuyên can bố mình điều gì cả…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bố chị năm nay đã hơn 70 tuổi. Sau khi mẹ chị mất, ông ở một mình đã mấy năm. Ông gọi điện cho các con (đều đi làm xa và đã có gia đình riêng) cũng chưa bao giờ nói rằng mình buồn bã và cảm thấy cô đơn như thế nào. Khi trao đổi điện thoại với chị, ông vẫn thường nói ông tự lo cho mình được mọi người yên tâm. Ông còn nói, từ ngày mẹ chị mất, ông thường tự làm cơm ăn và phát hiện rằng mình nấu ăn cũng không đến nỗi nào.

Ông tự an ủi mình như vậy, bởi ông vốn là “cán bộ nhà nước” làm việc ở thành phố thuộc tỉnh, ngày cuối tuần mới về nhà. Ở cơ quan, ông ăn cơm nhà bếp tập thể. Về nhà, ông được bà chiều chuộng nấu những món ông thích. Tóm lại suốt quãng thời gian đi làm ăn lương, ông gần như không hề phải xuống bếp nấu ăn. Do vậy, giờ ông có lý do để khoe mình tự nấu ăn.
Vài năm sau khi mẹ chị mất, chị những tưởng cuộc sống của người bố mình không có gì thay đổi. Đùng một cái, ông báo là ông sắp cưới vợ: “Đứa nào thu xếp được công việc về dự đám cưới thì về, không thì thôi vì đám cưới thực ra là buổi liên hoan nho nhỏ giữa người thân hai gia đình”.

Các anh chị em của chị ai cũng phản đối chuyện bố cưới vợ. Họ cho rằng, bố đã già rồi còn “đèo bồng” làm gì; bố làm như vậy thì xấu mặt con cháu, ai đời già rồi còn yêu với đương.

Chị biết, qua trao đổi, mọi người còn sợ rằng, bố chị cưới vợ (bà thua ông dăm tuổi, còn khỏe mạnh) rồi sau này sẽ cho vợ mới hết nhà cửa, ruộng đất, thứ lẽ ra chia cho con cháu.

Ông cũng nắm được tâm tư của con mình và nói: “Thế đứa nào vê quê đi, ở với tôi đi. Tôi sẽ cho người đó nhà cửa nhé”.

Mấy đứa con phản đối yếu ớt rồi cũng kệ chuyện bố mình đi lấy vợ. Họ cũng biết rằng đó là quyền của ông. Hơn nữa, giờ ông ở nhà một mình lỡ ốm đau thì trông cậy vào ai? Người ta cũng nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Tìm hiểu thêm, chị mới biết, “vợ mới” của bố không hẳn là xa lạ với gia đình mình. Trước hết, bà là người cùng làng. Bà cũng thỉnh thoảng sang nhà chị chơi và nói chuyện với bố mẹ chị. Bà cũng ở một mình từ lâu vì chồng bà mất khi bà còn khá trẻ. Tìm hiểu kỹ hơn, chị mới biết, hồi bố chị đi bộ đội về làng, người đầu tiên ông “để ý” lại là bà. Bà lúc đó cũng thích ông. Tuy nhiên, do gia đình bà đã hứa gả bà cho một thanh niên khác nên chuyện không thành. Rồi ông đi học nghề, làm cán bộ, lấy vợ… Ông và bà sau đó coi như là người làng quen biết nhau, không nhắc nhở gì chuyện cũ.
Nay mẹ chị mất cũng đã hết khó, ông nghĩ đến chuyện lấy vợ và nhớ đến bà. Sau này, ông có kể với chị ông nhớ đến bà ấy như một lẽ tự nhiên: “Không hiểu sao người đầu tiên tôi nghĩ đến sẽ đưa về nhà là bà ấy, dù mấy chục năm trời không hề nhớ gì đến chuyện cũ”.

Bà vợ mới của ông người nhỏ nhắn, xinh xắn. Đặc biệt, bà có khuôn mặt phúc hậu và tính tình hiền lành, chất phác. Gặp chị, bà nói: “Chị đừng nghĩ tôi có ý lợi dụng gì mà tội nghiệp. Tôi phải cưới ông ấy vì không thể tự dưng về ở chung nhà. Tôi không màng gì tài sản của ông ấy đâu. Con cái tôi đều khá giả, nhà cửa đàng hoàng, còn tôi thì chết đi rồi có mang theo được đâu?”. Lúc này, chị cũng không tiện hỏi là nguyên nhân chính khiến bà sang ở chung nhà với bố mình, có phải vì bà vẫn còn vương vấn, thương ông không.

Từ ngày bà về, bố chị như trẻ ra. Ông không còn “ăn uống thất thường” như chính ông thú nhận với chị. Ông cũng mạnh dạn đi chơi hàng xóm láng giềng chứ không vì buồn bã mà chẳng muốn đi đâu.

Một lần về thăm bố ốm nặng đang nằm viện, chị thấy cảnh bà đang bón cháo cho ông. Khi chị bước vào chào họ và thấy bố mình nở nụ cười: “Bố sắp khỏe rồi con ạ. Con về làm gì cho vất vả, đường sá xa xôi. Ở nhà đã có bà ấy chăm sóc cho bố rồi, con yên tâm”.

Chị lúc này không còn ghen thay cho mẹ mình nữa. Chị cũng có cảm giác như mẹ mình gửi gắm bố mình cho bà ấy. Chị lần đầu buột miệng gọi bà ấy là “mẹ”: “Con cảm ơn mẹ”…! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần