Lớn lên tôi vào Nam và Đông Nam Bộ là nơi tôi đang sống, khí hậu phù hợp cho nhiều loại cây ăn trái mà nơi đây được mệnh danh là thủ phủ trái cây.
Mỗi tỉnh ở miền Nam nói riêng và ở Đông Nam Bộ nói chung đều có một loại trái cây đặc trưng nhưng không vì thế mà những lại trái cây khác không có. Nhắc đến bưởi Tân Triều người ta nghĩ ngay đến Biên Hoà, nhắc đến cam người ta nhớ đến Lạc An…
Một lần ghé Tây Ninh thăm người bà con, trong tiệc nhậu có một loại trái cây làm tôi chú ý. Nó có hình thù như quả trám đen ngoài Bắc nhưng nhỏ hơn, khi thấy tôi quan tâm người anh giới thiệu đó là quả cà na (trám xanh). Không như quả trám đen được người dân chế biến thành món ăn như dưa muối có độ mặn nhất định. Quả cà na trong bữa tiệc hôm ấy được chế biến khá cầu kỳ và nó như món ăn nhẹ, ăn chơi vui.
Tôi lấy ăn thử một quả, vừa đưa vào miệng có vị mặn của muối, vị ngọt của đường, vị cay của ớt.
Cắn lớp cơm cà na nhai thì thấy vị bùi, vị chua, vị chát. Khi nhai kỹ thì tất cả vị ấy hoà quyện lại với nhau tạo nên một món ăn rất lạ miệng mà bạn ăn xong miếng này lại muốn ăn thêm miếng nữa. Món cà na muối chua ngọt được như một món chay trong tiệc rượu.
Trí tò mò và bản tính thích kiếm tìm những món ăn lạ, tôi bắt tay vào tìm hiểu đặc tính của loài cây ăn trái này và cách để có món ăn khá thú vị kia.
Cà na là loài thân gỗ có xuất xứ từ Thái Lan, loài cây mọc tự nhiên. Gần đây cây cà na được người dân trồng để lấy trái. Hoa cà na theo chùm ngoài ngọn, chùm có nhiều trái. Cà na có màu xanh, khi chưa chế biến có vị chua và chát. Tôi tìm hiểu thêm về cách làm món cà na chua ngọt, được biết món này chế biến khá cầu kỳ.
Cà na hái về phải là trái già nhưng không phải là đã chín, lấy dao rạch bốn đường theo chiều dọc trái và đem ngâm muối trong nhiều giờ. Rửa nhiều lần bằng nước, vắt cho bớt nước ngấm trong trái. Có thể đập dập quả cà na để ngâm nhanh hơn, và thấm gia vị.
Dùng một lượng đường phèn và đường cát nấu lên, khi nấu phải theo dõi để đường có màu ngả vàng nhưng không được cháy. Nấu nước đường hơi kẹo lại là được, giã một ít ớt trái và muối bỏ vào nước đường khuấy đều. Độ ngọt, mặn tuỳ theo sở thích của từng người mà gia giảm cho hợp lý.
Món cà na dầm hơi hướng nhiều về vị ngọt để làm dịu đi vị chua và chát của quả cà na.
Nếu muốn ăn có nhiều vị chát và chua thì để nước đường nguội và đổ nước đường vào hủ ngâm cà na sau vài ngày là có thể ăn, sau đó, bảo quản trong tủ lạnh ăn dần.
Nếu bạn thích ăn bùi và ít chát, chua thì đem luộc cà na lên. Luộc vừa chín thì vớt ra và vắt cho ráo phần nước và đem ngâm với nước đường đã nấu sẵn.
Cà na sau khi ngâm vài ngày có màu sẫm, những đường khứa lộ ra phần thịt rất đẹp.
Khi nhắc đến phương Nam người ta nhắc đến cách người miền Tây Nam Bộ nhậu rượu đơn giản là cóc, ổi hay vài trái cây. Cà na được xem là món trái cây nhậu rất bén với rượu đế, cũng là món ăn chơi của chị em phụ nữ.
Hành trình ẩm thực của người Việt phong phú, được bắt nguồn từ những món ăn trong dân gian xưa. Con người phát triển sở thích ăn uống cũng thay đổi, nhưng cốt lõi của món ăn xưa vẫn được người Việt lưu giữ. Khi bạn đến một địa danh nào đó con người nơi đây sẽ đón bạn bằng một món ăn đặc trưng của vùng miền.
Tôi vẫn thích chu du miền Nam, nơi có nhiều món ăn rất bình dị nhưng lại mang đến cho người ăn cảm giác thú vị. Nét đặc trưng của món ăn nơi đây là khâu gia vị, sự kết hợp tinh tế để có một món ăn không lẫn vào đâu được của người miền Nam khiến tôi thích thú. Góp phần không nhỏ vào ẩm thực nước nhà, những món ăn vặt lạ miệng của người dân miền Nam luôn mang đến cho người dân trong nước và du khách nước ngoài cảm giác ngon và lạ.
Tôi tự hào là người con đất Việt, tự hào những món ăn ngon trong dân gian mà tôi từng được thưởng thức.