70 năm giải phóng Thủ đô

Mong muốn của mẹ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị nhìn mẹ mình mái tóc ngày mỗi bạc mà thương. Bà không có gì cả, ngoài cái vườn ông bà để lại. Mẹ đông con, nay đứa nào cũng muốn có phần đất dù lớn hay nhỏ.

Bố của chị không may mất sớm, mẹ ở một mình từ lúc con khá trẻ, không đi bước nữa để nuôi những năm đứa con.

Bà tâm sự với hàng xóm: “Tôi sợ vớ phải ông chồng không thương con mình. Sợ nhất là cái ông ham rượu, lại vũ phu. Thôi cố gắng nuôi con, bữa cơm, bữa cháo mà thương nhau”.

Chị nhớ, mấy anh em lít nhít nhưng đứa nào cũng ngoan. Mấy đứa như thương mẹ nên ít khi ốm đau, dù đúng là bữa cơm, bữa cháo thật.

Đứa lớn theo mẹ ra đồng cấy gặt, làm cỏ... Đứa nhỡ đi chăn trâu, cắt cỏ. Đứa nhỏ hơn phụ trách việc trông em...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cứ vậy, bọn chị lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Đứa nào cũng biết nhường nhịn nhau; đứa làm em thường được chia cơm, khoai sắn nhiều hơn.

Duy có chuyện, mùa Đông, đứa nào cũng giành nằm gần mẹ để được mẹ ôm thì ấm hơn. Nhưng rút cuộc, đứa út vẫn được ưu tiên.

Lớn lên, mỗi đứa một phương. Anh cả đi học đại học rồi ra làm kỹ sư. Chị kế buôn bán rồi lấy chồng ngoài phố... Chị là út, lấy chồng ở nhà làm ruộng, chăn nuôi; chồng làm thợ.

Chị ở gần mẹ nên thường xuyên phụ bà, khi thì giúp bà cấy gặt, phơi lúa; lúc cho lợn gà ăn...

Mẹ chị thường nói: “Có năm đứa con, may còn mỗi mày ở nhà đỡ đần mẹ. Chứ như mấy đưa kia, chỉ ngày lễ tết, hay giỗ bố mới về”.

Nói vậy, nhưng mẹ không tỏ ra buồn phiền, thậm chí còn tự hào với xóm giềng là con mình đã vượt lũy tre làng để vươn lên.

Chị cũng không rõ anh chị em nhà minh làm ăn như thế nào nhưng người nào cũng quần áo đẹp, vàng đeo đầy người. Có người còn đi cả xe hơi sang trọng về nhà.

Nhiều lúc chị cũng nói với chồng: “Xem ra nhà mình là nghèo nhất so với chị em chồng nhỉ. May là còn đủ gạo ăn”.

Chuyện đang bình thường, thì chị gái áp út của chị bỗng về nhà và xin mẹ... chia đất. Chị gái cho mẹ biết là làm ăn bao nhiêu năm rồi nhưng vợ chồng vẫn chưa mua được nhà.

Người chị mếu máo: “Chồng con làm đầu bếp cho nhà hàng sang trọng, lương cao, nhưng đánh bạc suốt, mất hết nay còn nợ. Con không có cách gì mua nổi nhà, đi ở nhà thuê mãi”.

Chị thấy mắt mẹ chị như chùng xuống. Mẹ hỏi: “Sao tôi thấy anh chị về quê cứ đi ô tô đẹp là sao?”.

Bà chị khóc nức: “Anh ấy sĩ diện, sợ người ta chê nghèo nên thuê xe đó mẹ”.

Nghe chị áp út đòi chia đất, vài người nữa cũng về đòi chia.

Mẹ hỏi chị: “Sao tôi không thấy chị đòi hỏi. Quyền lợi giờ là bình đẳng. Cần thì cứ nói”.

Chị thưa với mẹ: “Nhà con may mắn có đất, có nhà rồi, mẹ biết mà”. Ngay từ lúc mới lấy chồng, chị bàn với anh mua miếng đất nhỏ trong làng, khi đó đất nông thôn còn rẻ, giá chỉ bằng nửa cái xe máy, chỉ tiền mừng cưới la gần đủ, vay thêm một ít.

Chị nói: “Mình phải tự lập thôi anh ạ. Đất ở ít mà anh em đông, chia ra mỗi người được mảnh bé tí”.

Hai vợ chồng chị làm ăn cần cù, gom góp rồi vay mượn thêm làm được cái nhà nhỏ để ở.

Chị nói với mẹ: “Con biết rồi mẹ cũng chia cho con cái hết. Nhưng con có nhà rồi, mẹ dành phần của con chia cho ai có nhu cầu mẹ ạ. Chồng con cũng khuyên con nói với mẹ như vậy”.

Hôm đó, nhân ngày giỗ bố có đủ anh chị em. Sau bữa cơm, mẹ chị nói nói với mấy đứa con: “Đứa út khoan đi rửa bát. Việc rửa bát đứa nào cũng phải tham gia chứ không gì một đứa. Nhân đây mẹ nói: Mẹ đã trù liệu chia đất cho các con. Đứa nào cũng cả có phần, kể cả đứa út dù nó không muốn lấy.

"Mẹ không trách các con chuyện muốn mẹ cho đất. Tuy nhiên, các con hãy sống thật, đừng sĩ diện hão. Đừng sợ người ta chê mình nghèo. Các con hãy thương nhau như hồi còn nhỏ. Đừng vì đất đai, tài sản mà mâu thuẫn”.

Lần đầu tiên trong đời, chị nghe mẹ nói nhiều như thế. Chị thấy mấy anh em nhà chị ai cũng cúi đầu lắng nghe.

Riêng chị nhớ những ngày tuổi thơ chia nhau từng củ khoai và buổi tối lại giành nhau để được ngủ gần mẹ.