Mong ước của mẹ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mẹ của chị năm nay đã ngoài 80. Dù vậy, ơn trời bà vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bà có nhiều con nhưng hiện chỉ ở một mình. Căn nhà rộng thênh thang do các con gom góp xây cho bà như khiến nhà trở nên trống vắng.

Những ngày tháng Bảy âm lịch, chị thường chuẩn bị những lễ vật lên chùa gần nhà để cúng. Chị cũng không quên lên nhà mẹ cách nơi chị ở vài cây số để phụ bà dọn dẹp bàn thờ, ngày rằm làm mâm cơm cúng giỗ tổ tiên, ông bà và bố. Nhưng ngày này, mẹ chị buồn vì nhớ ông, vì chạnh lòng chuyện những đứa con, đứa cháu sống xa nhà, xa quê.

Mong ước của mẹ - Ảnh 1

Năm nay, chị nói với chồng: “Nhà mình làm lễ cúng sớm. Sau đó cả nhà về mẹ cho vui. Em phải giúp mẹ sửa soạn lễ cúng”. Bình thường, chồng chị - rể đầu cũng hay lên nhà mẹ vợ, phần xem trong nhà có gì cần sửa chữa không, phần giúp bà vui hơn.

Hiện bà chỉ ở với người giúp việc vào đêm thôi nên nhà vắng vẻ. Bà thường làm bạn với cái radio để “nghe chuyện này chuyện nọ cho vui”, bà nói vậy.
Thỉnh thoảng bà cũng sang hàng xóm gặp các bà bạn để trò chuyện cho khuây khỏa. Nhưng bà ngại nhất là khi họ hỏi bà: “Dịp lễ, Tết này có cháu nào về chơi không?”.

Lúc đầu được hỏi như vậy bà còn phân bua rằng đứa này đứa nọ bận. Đứa thì ở nước ngoài xa xôi. Đứa lo việc nhà nước không thể về… Nhưng khi qua nhiều mùa lễ, Tết như vậy mà con cái hầu như không về thăm mẹ thì bà cũng hết lý do, nhất là con đã lớn tuổi và đã được về hưu.

Năm nay chị lên nhà chuẩn bị làm mâm cúng rằm thì thấy khuôn mặt mẹ mình vui vẻ hơn thường lệ. Bà nói: “Con làm cơm nhiều nhé. Làm mấy món ngon ngon. Năm nay có gia đình đứa út về. Nghe nói nó vừa về hưu”.

Anh con út về thật, dẫn cả vợ con cùng về. Anh nói với bà: “Con đã nhận quyết định hưu. Con nay có nhiều thời gian để về nhà với mẹ nhiều hơn”.
Chị thấy mẹ mình thật vui khi nghe lời anh con út nói.

Cả nhà có anh đầu học giỏi nhất, sau này làm ăn cũng khá giả nhất nhưng lại khiến bà lo lắng nhất. Anh là nhà đầu tư bất động sản có cỡ trên thị trường, làm ra nhiều tiền nhưng cũng bấp bênh. Đã có lần, bố mẹ phải cầm cố nhà đất để cho anh mượn.

Một anh nữa thì sống lông bông, phụ thuộc vào vợ. Anh xin nghỉ hưu sớm chủ yếu để dành thời gian đi nhậu với bạn bè. Mỗi lần đi nhậu anh lại ngửa tay xin tiền vợ. Đáng lo là vợ anh khi nào không hài lòng về chồng lại gọi điện thoại mách với mẹ chồng… Bà nhiều đêm mất ngủ về điều này.

Ngược lại, trong nhà, đứa út lúc nào cũng khó khăn về kinh tế nhất. Anh là giáo viên dạy ở vùng núi xa xôi, lương ba cọc ba đồng. Tuy vậy, anh lại là người ngay từ nhỏ khiến bố mẹ yên tâm nhất. Hồi nhỏ, anh con út đã biết lên lịch giờ nào học, giờ nào làm việc nhà. Anh học và làm gần như tự giác không để bố mẹ nhắc.

Đi chơi đâu, anh cũng xin phép nói rõ là đi đâu, dự kiến lúc nào về. Lớn lên, bố mẹ tự để cho anh chọn trường đại học để thi. Sau khi ra trường, anh đi công tác ở tỉnh xa, rồi kết hôn, lập gia đình riêng. Đặc biệt, anh và vợ anh có gọi điện cho bố mẹ thì cũng chỉ báo tin vui, đại loại như đứa cháu vừa đạt học sinh giỏi môn này, môn kia, hay chuyện nho nhỏ như vườn nhà anh năm nay cà phê sai trĩu quả…

Anh con út tuy xa xôi nhưng cũng cố gắng về thăm bố mẹ hơn cả. Do ngược đường nên anh chủ yếu là đi xe ô tô rồi chuyển qua đi tàu hỏa.

Mâm cơm ngày rằm tháng Bảy năm nay vui vẻ, rôm rả. mẹ của chị cũng nói chuyện nhiều hơn thường lệ. Bà tâm sự: “Mẹ không vui gì hơn khi các con trưởng thành. Báo hiếu cho cha mẹ là tự mỗi đứa lo bản thân và gia đình nhỏ của mình được yên ấm không để mẹ lo lắng. Bố đã đi xa, ở thế giới bên kia cũng yên lòng. Nếu được, có đứa về ở với mẹ thì tốt, còn không cũng nên thường xuyên về thăm mẹ”.